Dự án Vinachem lỗ ngàn tỷ: Xử lý thật hay ngầm cứu?
Cập
nhật lúc 14:41
(Doanh nghiệp) - Liệu
người đứng đầu Ban chỉ đạo giải quyết tồn tại của các dự án thua lỗ nghìn tỷ
ở Vinachem có vượt qua được chính mình và vượt thế nào?
Phải vượt qua chính mình
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã quyết định thành lập Ban chỉ
đạo giải quyết các vấn đề tồn tại của các dự án thua lỗ nghìn tỷ, gồm: Dự án
Nhà máy Đạm Ninh Bình; dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc; dự án
Nhà máy DAP số 2.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Vinachem sẽ là Trưởng Ban
chỉ đạo. Tổng Giám đốc Tập đoàn làm Phó Trưởng ban. 20 thành viên còn lại
thuộc Ban chỉ đạo đang đảm nhận các vị trí, công việc liên quan khác.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế,
khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) đánh giá động thái trên của
Vinachem là việc làm "muộn còn hơn không". Đây là những dự án mà
việc thẩm định, xem xét hiệu quả kinh tế của chúng trước đây chưa đến nơi đến
chốn, đồng thời một phần do nguyên nhân khách quan khiến chúng không đi vào
hoạt động, nếu có thì gây thua lỗ lớn, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của
Vinachem đối với nền kinh tế.
"Việc Vinachem thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn
tại của các dự án thua lỗ nghìn tỷ thực ra đã muộn so với yêu cầu nhưng muộn
còn hơn không. Nó thể hiện sự tiến bộ của Vinachem trong quyết tâm xử lý tồn
đọng, phù hợp với tình hình thực tiễn và mong muốn của người dân", vị
chuyên gia nói.
Tuy nhiên ông lưu ý, công việc của Ban chỉ đạo rất nặng nề
và phức tạp bởi nó va chạm đến nhiều thành phần, nhiều lợi ích nhóm. Sẽ có
những phản ứng khác nhau khi Ban chỉ đạo đến kiểm tra, đánh giá...
"Ban chỉ đạo phải là những người có đủ thẩm quyền và đủ dũng cảm,
dám nghĩ dám làm và phải vì sự nghiệp chung để đánh giá các dự án một cách
chuẩn mực. Còn nếu có sự nể nang hay vẫn chỉ là tay nọ bỏ tay kia, bình mới
rượu cũ hòng tìm kiếm cách thức giúp cho Vinachem thoát búa rìu dư luận trong
giai đoạn này phải xem lại", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
"Bản thân Chủ tịch Hội đồng thành viên của Vinachem là Trưởng Ban chỉ
đạo, Tổng Giám đốc Tập đoàn làm Phó Trưởng ban. Liệu họ có vượt qua được
chính mình hay không và vượt như thế nào?".
Nói thêm về điều này, PGS Thịnh nhắc lại kiến nghị của Vinachem trước
đó lên Chính phủ về việc xem xét đề nghị các ngân hàng cho giãn nợ, giảm lãi
vay, tiếp tục cho vay vốn lưu động, áp thuế phòng vệ đối với sản phẩm nhập
khẩu,... để tạo điều kiện "cứu" các dự án thua lỗ thuộc tập đoàn.
"Trong Vinachem có lợi ích nhóm và những nhóm lợi ích đó đều mong
muốn cứu vớt tập đoàn của mình. Đương nhiên với cương vị là người đứng đầu
tập đoàn bao giờ cũng cân nhắc theo đề nghị của công ty con. Vì lẽ đó cần
nhắc nhở họ rằng phải vượt qua chính mình, thẩm định được những dự án đó có
thực sự hiệu quả hay không, nên làm gì với dự án đó... Đó mới là điều quan
trọng nhất. Còn nếu cứ giữ cách làm như trước đây của họ thì chẳng có gì
mới".
Về việc xử lý các dự án thua lỗ nói trên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh,
có nhiều cách khác nhau và chia theo từng loại dự án. Cụ thể:
Đối với những dự án đã hoàn thành và đi vào sản xuất nhưng càng sản
xuất càng thua lỗ như Đạm Ninh Bình, phân đạm Hà Bắc, phải xem xét chỉnh đốn
cơ cấu quản lý sản xuất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, từ đó làm cho cơ
chế quản lý kinh tế ở các doanh nghiệp này tốt hơn. Nếu như các dự án này
tiếp tục lỗ thì phải tìm biện pháp xử lý bằng cách cổ phần hóa, bán đấu
giá... Trong trường hợp đó có thể phải xem xét đến việc có những phần vốn bị mất
đi do giá của dự án không tương xứng vói giá trị nó đang có trong sổ sách. Do
đó cần cẩn trọng trong việc đánh giá dự án và đưa ra đấu giá trên thị trường.
Đối với những dự án đang thi công dở dang nhưng không còn vốn thi công
do thời gian kéo dài, vốn đầu tư bị đội lên và khả năng để có vốn đầu tư tiếp
không có phải xem xét rất cẩn trọng. Nếu dự án thực sự có hiệu quả theo tính
toán trong thời gian hiện tại và tương lai thì mới tiếp tục rót vốn để dự án
hoàn tất.
Đối với những dự án hiệu quả không cao hoặc không có hiệu quả, thậm
chí lỗ thì tốt nhất nên dừng lại và bán ngay dự án khi nó đang dở dang cho
những đối tác có nhu cầu.
Truy trách nhiệm người đứng đầu: Khó nhưng phải làm
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng như nhiều chuyên gia kinh tế đều bày tỏ
rằng, Nhà nước cần xử lý kiên quyết và có thái độ dứt khoát đối với các dự án
thua lỗ nghìn tỷ của Vinachem, thậm chí cho phá sản. Tuy nhiên, ông lưu ý,
trong trường hợp buộc phải lựa chọn khả năng này, thiệt hại là rất lớn.
"Có rất nhiều nguyên nhân, một phần do đầu tư kéo dài nên giá cả
hàng hóa, vốn đầu tư bị đội lên; trong tính toán xây dựng và đầu tư, đặc biệt
là những cái liên quan đến đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách, hiệu quả sử
dụng thường không cao. Do đó, các dự án đầu tư của Nhà nước thường bị ăn
chặn, bớt xén, chia phần trăm. Nhưng nếu càng sản xuất càng lỗ
thì thà một lần đau, cổ phần hóa hay tư nhân hóa nhà máy, chịu lỗ 1-2
năm rồi thôi còn hơn cứ mỗi năm lại bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để
bù đắp", ông Thịnh chỉ rõ.
Vị chuyên gia cũng nhắc lại yêu cầu của Chính phủ trong thời gian qua
về việc xử lý nghiêm lãnh đạo tập đoàn nếu thoái vốn để thua lỗ, thất
thoát. Trong trường hợp các dự án nói trên của Vinachem cũng phải có yêu
cầu tương tự dù không dễ dàng.
"Phải truy trách nhiệm những người từng ký quyết định đầu tư và
thực thi các dự án này, đồng thời phải xem cả tài khoản hoặc tài sản liên
quan của họ cũng như của chủ đầu tư các dự án đó. Họ tính toán rất
đại khái, sơ lược mà bỏ ra mấy nghìn tỷ của Nhà nước, nhân dân để đầu tư để
được tỷ lệ phần trăm nào đó thì không thể chấp nhận được.
Làm việc này rất khó vì tiền lệ từ trước đến nay là khi đã về
hưu, người Á đông nói chung và người Việt Nam nói riêng đều không
muốn bới móc chuyện cũ. Mặt khác, những tài sản đó xuất xứ từ đâu khó mà truy
ra nguồn gốc. Thế nhưng xã hội đều biết cả và chúng ta không thể cứ để những
việc đó xảy ra mãi", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
(Theo
Đất Việt) Thành
Luân
|
Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét