Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Dâng sao giải hạn: Không thể "hối lộ" thần linh để cầu bình an!


Cập nhật lúc 11:07

Sau Tết, một trong những việc được đông đảo người dân quan tâm là dâng sao giải hạn đầu năm. Phục vụ nhu cầu này, một số nơi đã tổ chức lễ giải hạn có thu phí.
 ảnh 1
Rất đông người dân tham gia lễ dâng sao giải hạn trong những ngày đầu năm mới
Với mức phí dao động từ 100.000-300.000 đồng/người, mỗi cá nhân muốn dâng sao giải hạn đầu năm chỉ cần đến đình, chùa đăng ký thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, năm sinh, sao hạn... Thông thường, lễ dâng sao giải hạn sẽ được tổ chức vào các ngày khác nhau theo từng sao nhất định.
Mặc dù theo một số nhà nghiên cứu, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, nhưng nhiều người dân vẫn tin tưởng một cách mù quáng rằng, việc làm này có thể giúp họ thoát khỏi mọi tai ương, vận hạn từ “sao xấu”.
Giải hạn từ nhà đến chùa
Do hai vợ chồng đều bị “sao xấu” chiếu (chồng sao Thái Bạch, vợ La Hầu) nên ngay sau Tết Nguyên đán, chị Lê Thu Hằng (ở đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã lên kế hoạch dâng sao giải hạn. Từ mùng 6 Tết, chị Hằng đã liên hệ mời thầy đến nhà để làm lễ với số tiền lên tới hàng chục triệu đồng. Chưa yên tâm, chị Hằng còn đến một ngôi chùa có hàng nghìn người tham gia dâng sao giải hạn mỗi năm để đăng ký. 
“Mỗi người có một sao chiếu mệnh, trong 9 chòm sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hán, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức đều có sao tốt, sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, người đó sẽ gặp vận hạn, còn nếu được sao tốt chiếu mệnh thì sẽ làm lễ đón sao. Người ta nói Thái Bạch quét sạch cửa nhà, sao La Hầu tiêu tán tài sản, phụ nữ khi gặp sao này chiếu mệnh thường gặp nhiều chuyện không vui nên tôi phải giải hạn cho cả hai vợ chồng ở nhiều nơi cho chắc chắn. Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành” - chị Hằng chia sẻ.
Trái ngược với quan điểm trên, ông Nguyễn Bá Đông, ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, việc đến đình, chùa dâng sao giải hạn là đi ngược lại Phật pháp. Bởi nếu cứ bỏ tiền ra sẽ giải được hạn thì chắc sẽ chẳng có ai bị tai nạn, đau ốm, chết chóc. Ông Đông cũng cho rằng, việc nhà nhà, người người đổ xô đi dâng sao giải hạn là biến tướng của mê tín dị đoan. 
Dạo một vòng qua một số đình, chùa trên địa bàn Hà Nội những ngày đầu năm mới, chúng tôi chứng kiến số lượng người đến đăng ký dâng sao giải hạn khá đông. Ngoài những người đến do tin vào tác dụng của việc làm này thì vẫn còn không ít người khác đến vì a dua theo tâm lý đám đông.
Sau khi đóng một khoản tiền nhất định, họ không chỉ được tham gia lễ dâng sao giải hạn đầu năm, mà vào ngày 15 và mùng 1 âm lịch hàng tháng họ còn được nhà chùa đọc tên khi làm lễ.
Đừng “hối lộ” thần linh 
Từ xưa, ông cha ta chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho các thành viên trong gia đình. Nhiều chùa trong năm mới cũng làm lễ cầu an, hướng niềm tin của người dân vào Phật, giúp người dân tránh làm việc xấu, biết ăn năn sám hối và hướng thiện. Song mấy năm gần đây, từ sau Tết đến rằm tháng Giêng, khá nhiều đình, chùa đã tổ chức cúng sao giải hạn. 
“Điều đáng nói là giáo lý nhà Phật không đề cập đến vấn đề này. Không có ngôi sao nào mang phúc hay họa, bởi vì tất cả họa và phúc của mỗi người đều do tự thân mà ra. Thành công hay thất bại của mỗi cá nhân không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải do ai ban phát cho, mà tất cả là từ sự nỗ lực, cố gắng của chính bản thân”,  TS. tâm lý Hoàng Cẩm Tú phân tích.
Cũng theo TS. Hoàng Cẩm Tú, việc dâng sao giải hạn đầu năm không phải là xấu, việc làm này xuất phát từ mong muốn chính đáng của con người, song điều chỉnh sao cho đúng, để phong tục không trở thành hủ tục, thành tệ nạn mê tín dị đoan là điều mỗi người dân nên thận trọng, cân nhắc.
Ban đầu, việc dâng sao giải hạn khá đơn giản, nhưng dần dần do ngày càng có nhiều người tin vào việc dâng sao giải hạn có thể giúp thay đổi vận mệnh nên đã đua nhau đi dâng sao giải hạn. Đây cũng là cơ hội để một số đối tượng cố ý thổi phồng tác dụng của việc làm này hòng thu lợi. Không ít gia đình ngay từ đầu năm đã phát sinh lục đục, mâu thuẫn chỉ vì tiêu tốn quá nhiều tiền bạc vào việc dâng sao giải hạn.
Theo quan niệm dân gian, sao chiếu nặng nhất là các sao Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch. Người làm lễ dâng sao giải hạn không hiểu rằng, dù mình có sao chiếu tốt nhưng nếu bản thân sống trái luân thường đạo lý, coi thường pháp luật thì tai ương vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Không thần Phật nào chỉ phù hộ cho những người giàu, những người sắm lễ to dâng sao giải hạn. Điều quan trọng nhất là ở tâm mỗi người, cần tu thân tích đức, chăm chỉ làm việc thiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, chứ không phải cứ có những hành động sai trái, rồi đi “hối lộ” thần linh để cầu giàu sang, may mắn, thoát khỏi tai ương. Điều này là vô cùng viển vông và xa vời”, TS. Hoàng Cẩm Tú bày tỏ quan điểm.  
(Theo An ninh Thủ đô) Huệ Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét