Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

BỎ NGHI THỨC ĐÂM TRÂU TRONG LỄ HỘI Ở QUẢNG NAM:
Người Cơ Tu giã từ “săn máu”
Cập nhật lúc 14:211
 
Nghi thức đâm trâu đã được người Cơ Tu ở Quảng Nam loại bỏ khỏi các lễ hội truyền thống của mình từ xuân 2017. Ảnh: T.H
Bỏ đâm trâu - một nghi thức quan trọng nhất trong lễ hội tâm linh, vốn có hàng ngàn đời của đồng bào các dân tộc thiểu số không phải câu chuyện dễ dàng, nhưng tộc người Cơ Tu ở Quảng Nam đã vừa thực hiện thành công từ mùa xuân này. Tết Đinh Dậu 2017, 100% làng đồng bào Cơ Tu, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã bỏ hẳn nghi thức đâm trâu được cho rằng dã man, rùng rợn, ngược đãi động vật... mà làng nước nơi đây vẫn tràn đầy niềm vui.
Máu hiến tế trong tâm thức người Cơ Tu
Xuân, khi con nước của dòng A Vương chuyển từ vàng đục sang một màu xanh thẳm - màu nguyên sơ của núi rừng, thì cũng là lúc đồng bào Cơ Tu ở giữa lòng Trường Sơn (Quảng Nam) bắt đầu vào mùa trẩy hội, đâm trâu. Cưới: Đâm trâu. Kết nghĩa: Đâm trâu. Tiễn trừ dịch bệnh: Đâm trâu. Mừng lúa mới: Đâm trâu... và tết là dịp 100% các làng đồng bào Cơ Tu tổ chức lễ hội đâm trâu. Người Cơ Tu ở Quảng Nam ăn Tết truyền thống cùng với người Kinh, cũng đồng nghĩa với việc khắp các nẻo đường Trường Sơn, các bản làng gần xa đều vang lên tiếng trâu rên xiết khi bị những mũi lao đâm chết từ từ tại các lễ hội ăn tết. Thế nhưng, xuân Đinh Dậu 2017, tất cả 90 làng đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đã đồng loạt bỏ nghi thức truyền thống này.
Bí thư huyện Tây Giang - BH’Riu Liếc chủ động thông báo tin người Cơ Tu bỏ nghi thức đâm trâu với chúng tôi khi ông đọc thấy cộng đồng mạng xã hội và báo chí “dậy sóng” bàn luận, lên án về hình ảnh “treo cổ trâu đến chết” xảy ra ở Yên Bái mấy ngày qua. Ông Liếc tâm sự: “Nói vui mừng vì bỏ được nghi thức vốn là hoạt động tâm linh quan trọng trong đời sống tâm linh của người Cơ Tu thì không hoàn toàn đúng. Đồng bào tôi chưa hẳn ai cũng đồng tình, thậm chí có cả những người trẻ, tri thức Cơ Tu chống đối lại chủ trương này. Bởi, khác với các cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc, người Cơ Tu tuy chỉ hơn sáu vạn người, nhưng hiện vẫn còn ở sâu trong những khu rừng già nguyên sinh. Cộng đồng Cơ Tu vẫn còn thuần túy, ít có dân tộc khác sống xen lẫn. Và đặc biệt, sinh cảnh, môi trường và nếp văn hóa riêng có của người Cơ Tu vẫn còn giữ gìn được tương đối tốt. Vì vậy, bỏ một nghi thức hiến tế trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào phải nói là kỳ tích. Nhưng chúng tôi thành công là nhờ việc tự nguyện của các già làng, từ ý nguyện đồng bào chứ không hẳn là chủ trương áp đặt từ chính quyền cấp trên xuống”.
Ông BH’Riu Liếc nguyên là Ủy viên Trung ương dự khuyết, ngoài các nhiệm vụ chính trị do Đảng, chính quyền phân công đảm nhiệm ở huyện miền núi Tây Giang, ông còn là một nhà nghiên cứu văn hóa, một nhà dân tộc học về vấn đề Cơ Tu. Có thể nói, BH’Riu Liếc hiểu từ gốc cây ngọn cỏ, từng tâm tư nguyện vọng, từng ý nghĩa tâm linh trong đời sống văn hóa của đồng bào mình.
Ông giải thích về cội nguồn của lễ hội đâm trâu của người Cơ Tu đầy chất huyền sử của vùng đất vốn là rừng thiêng nước độc. Rằng trước thời kỳ vua Gia Long, dù địa hạt của người Cơ Tu rộng lớn, làng đồng bào Cơ Tu sống đến tận Trung Mang, Hòa Vang, Bà Nà (Đà Nẵng). Nhưng lúc ấy, rừng vẫn còn trùng điệp. Đường sá, điện đóm, trường học, mặt bằng dân cư gần như không có. Chính quyền phong kiến cũng không cai trị tới.
Đến thời thuộc Pháp, thực dân cũng không thuần trị nổi tộc người Cơ Tu. Lúc đó, người Pháp đã phái cử quan ba Jean Le Pichon đến đồn trú tại đồn Sa Mơ, Quảng Nam. Người lính viễn chinh này đã có nhiều bức ảnh chụp, ghi chép kỹ lưỡng về đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Cơ Tu ban sơ, mà nổi bật nhất là cuốn “Những người săn máu”. Nhưng Le Pichon đã nhầm lẫn tục lễ hiến tế máu đầy bản sắc người Cơ Tu với hủ tục cuồng sát, giết người của các tộc người man rợ như thời nguyên thủy.
 Người Cơ Tu giã từ “săn máu” ảnh 1
 Nghi thức đâm cho trâu chết từ từ đã được người Cơ Tu ở Quảng Nam loại bỏ khỏi các lễ hội truyền thống của mình từ xuân 2017. Ảnh: T.H
Giữa rừng thiêng nước độc, tộc người nhỏ bé Cơ Tu thuở xưa luôn đối mặt với bệnh tật, chết chóc do thiên tai, dịch bệnh, mất mùa... nên người ta tin vào thần linh (người Cơ Tu gọi là Giàng). Bấy giờ, đời sống vật chất cũng cùng cực, vật giá trị nhất của làng là trâu. Trâu là cơ nghiệp, là gia sản, và cũng là phẩm vật quý giá nhất lúc bấy giờ đã trở thành linh vật hiến tế Giàng mỗi khi làng có dịch bệnh, chết người, có thiên tai, hay đôi khi chỉ vì mất mùa. Trước đó nữa, khi chưa có trâu, các làng mạnh của người Cơ Tu đi sang các làng yếu hơn, làng thù địch để săn người, lấy máu hiến tế cho các đấng thần linh. Sau năm 1950, khi có cách mạng về, người Cơ Tu đã bỏ hẳn hủ tục săn đầu người, giết chóc lẫn nhau. Nhưng đâm trâu tại các lễ hội vẫn duy trì cho đến ngày nay.
Có 3 kiểu đâm trâu trong các lễ hội. Với những lễ hội vui mừng nhân sự kiện lập làng, mừng lúa mới, đón xuân, người Cơ Tu sẽ đâm trâu chết từ từ. Với ý nghĩa, khi trâu chết, đầu quay hướng về nhà nào thì nhà đấy may mắn, phát tài, nhiều lộc. Máu trâu vấy về hướng nào nhiều nhất thì đó là hướng tốt cho gia chủ. Tại lễ hội mừng kết nghĩa, mừng sui gia, cưới hỏi... người Cơ Tu cầu mong cho sự gắn kết bền lâu, sức khỏe vững bền, thì nghi thức đâm trong lễ hội cũng cố làm cho cho trâu chết từ từ, bằng cách khoanh tim trâu để trai tráng khi đâm tránh trúng tim. Riêng với các lễ hội hiến tế khi làng có việc xấu, thiên tai, mất mùa, dịch bệnh... thì dân làng cầu mong điều xấu qua mau. Lúc ấy, thì nghi thức đâm thay đổi, đôi khi chỉ 1 nhát đâm là trâu chết ngay luôn.
...vẫn giữ “lễ hội ăn trâu”
Già Clâu Nâm, làng BH’Ning, xã Lăng - nơi đầu tiên tự nguyện bỏ thủ tục đâm trâu cho biết: “Buồn. Rất buồn khi bỏ đi một nghi thức tâm linh ngàn đời của cha ông. Nhưng chúng tôi cũng đã thấy rõ, đâm trâu bây giờ không còn phù hợp nữa.
Khi mà bệnh xá, bác sĩ có mặt tận các bản làng. Người đau ốm, dịch bệnh, được xe cấp cứu đến nhà, ngành y tế về lập trạm dã chiến. Ngay vùng biên giới xa xôi cũng có bác sĩ quân y thì ốm đau, bệnh tật không thể nhờ cậy vào việc hiến tế máu cho thần linh, hay từ những lời cầu khẩn xin Giàng trời.
Khi mà điện sáng, tivi, Internet đã phủ sóng (miễn phí) từ huyện đến các làng, thì đổ lỗi thần linh bắt phạt dân làng khi mất mùa, dịch bệnh hay thiên tai là không còn đúng nữa. Chúng tôi đã có thông tin, đã được giải thích rõ lý do. Vì vậy không việc gì phải tin vào những điều huyền bí từ xưa. Mặt khác, việc đâm trâu cũng bất nhẫn với con vật yêu quý của dân làng. Bỏ đâm trâu tuy buồn, nhưng hợp lý nên chúng tôi vận động dân làng thực hiện”.
 Người Cơ Tu giã từ “săn máu” ảnh 2
Nghi thức đâm cho trâu chết từ từ đã được người Cơ Tu ở Quảng Nam loại bỏ khỏi các lễ hội truyền thống của mình từ xuân 2017. Ảnh: T.H

Già A Lăng Ruh ở xã Lăng ở tuổi 80 nhưng tỏ ra rất hiện đại. Ông so sánh: “Làng Bút Tưa, huyện Đông Giang ở gần miền xuôi hơn chúng tôi, nhưng mới đây đã bỏ hẳn cả làng để tứ tán lên núi chỉ vì trong làng có cái chết xấu: Một người trẻ tuổi tự vẫn bằng cách treo cổ. Họ cũng đã đâm trâu hiến tế. Tuy vậy, làng Bút Tưa có hiến tế bao nhiêu trâu thì đời sống cũng khốn khó hơn khi bỏ nhà xây kiên cố để sống trôi dạt bìa rừng. Điều đó cho thấy không phải mọi người dân đều đã nhận thức đúng.
Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhiều gia đình người thiểu số lâm nợ, tái nghèo chỉ vì tốn quá nhiều cho việc mua trâu để hiến tế khi nhà có việc trọng đại. Vì vậy, tôi thấy bỏ đâm trâu, trước mắt là bỏ gánh nặng vật chất cho dân nghèo. Về lễ nghi các sự kiện văn hóa của tộc Cơ Tu như thọc mũi trâu để lấy máu hiến tế, cúng như truyền thống vẫn duy trì. Múa tâng tung, da dá vẫn giữ, chỉ khác là việc giết thịt thì làm bình thường, không giữ hành động đâm, thọc tàn nhẫn với trâu mà thôi”.
Ông BH’Riu Liếc cũng lý giải thêm, nguyên thủy, lễ hội có giết trâu để hiến tế của người Cơ Tu gọi là Đaăh T’ri, nghĩa là “ăn trâu” chứ không phải Tắc T’rí (nghĩa là đâm trâu). Vì vậy, bây giờ giải thích, vận động người dân bỏ nghi thức đâm, thọc trâu dã man kia mà vẫn giữ nghi thức chọc mũi trâu để lấy ít máu hiến tế và làm thịt để mọi nhà đều được chia thịt, ăn trâu là họ chấp nhận ngay. Tết 2017, tất cả 90 làng Cơ Tu ở Tây Giang đều có trâu để ăn từ nguồn hỗ trợ của chính quyền tỉnh, từ tiết kiệm và tiền được trả từ các dự án bảo vệ rừng. Vì vậy, bỏ đâm trâu nhưng làng nước vẫn vui.
“Tôi mong rằng, sau đâm trâu, hủ tục thách cưới, phạt vạ... sẽ dần được vận động bỏ để dỡ bỏ gánh nặng cho đồng bào nghèo. Đặc biệt, các tộc người thiểu số khác cũng phải triển khai đồng bộ, để trai gái các làng khác nhau, các địa phương, tộc người khác nhau không còn vướng bận gánh nặng kinh tế vì hủ tục. Ngoài ra, nếu khôi phục lễ hội “đi sim” - lễ hội mùa xuân mà trai tân, gái mới lớn có tình ý mến nhau có thể tự do qua đêm mà chưa cần lễ cưới hỏi - thì sẽ thu hút du khách”.
Theo ông BH’Riu Liếc, mặt dù Thông tư 15 của Bộ VHTTDL ban hành năm 2015 đã nêu rõ, các địa phương không tổ chức các lễ hội có nội dung: Kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam. Cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; mô tả các hành động tội ác khác… Các địa phương đồng loạt triển khai. Tuy vậy, với người Cơ Tu, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân bỏ nghi thức này từ nhiều năm trước nên mới có kết quả tuyệt đối như hiện nay.
(Theo Lao động) Thanh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét