Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Nghịch lý vay về để cất

Cập nhật lúc 15:00  

Nghịch lý xảy ra là tiền vay về thì đã đủ, nhưng lại nằm trong Kho bạc Nhà nước, không được sử dụng do giải ngân chậm. Tình trạng này đang gây ra một sự lãng phí đáng kể.
Thủ tướng vừa ký Công điện 2144/CĐ-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Theo đó, tính đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt 70,2% kế hoạch. Trong khi đó, trong 11 tháng đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã phát hành thành công hơn 277.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ, đạt hơn 98% kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu cho cả năm.
 Nghịch lý vay về để cất
Nhiều dự án hạ tầng chậm triển khai gây khó cho cuộc sống người dân và vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Ảnh: KINH LUÂN/ TBKTSG
Giải ngân chậm - không phải do thiếu ngân sách
Từ giữa năm 2016, Chính phủ đã ra ra Nghị quyết số 60 về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Sau đó, tốc độ giải ngân đã tăng đáng kể với kết quả giải ngân 11 tháng đầu năm 2016 gấp 1,9 lần so với bảy tháng đầu năm 2016. Tuy vậy, đến hết tháng 11-2016, tỷ lệ giải ngân cũng chỉ ở mức 70,2% kế hoạch, trong đó có 12 bộ, ngành trung ương và một địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch.
Trong khi tiến độ giải ngân chậm thì Kho bạc Nhà nước lại khẳng định không hề thiếu tiền do huy động tiền từ việc phát hành trái phiếu chính phủ trong năm nay đạt kết quả khá tốt. Theo đó, Bộ Tài chính đã phát hành thành công 277.000 tỉ đồng trong 281.000 tỉ đồng trái phiếu dự kiến phát hành.
Đồng vốn đã huy động thành công nhưng lại chỉ nằm im trong kho bạc và không được giải ngân cho các dự án sử dụng vốn ngân sách là một sự lãng phí.
Thứ nhất, đồng vốn sau khi đi vay không được đưa vào sản xuất lưu thông, không sinh lời nhưng vẫn phải trả lãi. Một điểm đáng chú ý là lượng trái phiếu phát hành phần lớn là loại có kỳ hạn năm năm, nên thời gian đáo hạn khá ngắn và áp lực trả nợ khá cao. Vì vậy, các khoản vay về nên được giải ngân ngay để đồng vốn đủ thời gian sinh lời trước khi đáo hạn.
Thứ hai, bản thân các dự án khi không tiếp tục được rót vốn sẽ đình trệ, kéo theo đó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng chung và làm giảm hiệu lực của chính sách tài khóa. Đặc biệt, đây đều là các dự án xây dựng hạ tầng cơ bản nên việc triển khai chậm có thể khiến cho hệ thống cơ sở hạ tầng của các địa phương kém đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của chính các địa phương.
Vì sao giải ngân chậm?
Lý giải cho việc vốn cho đầu tư công bị giải ngân chậm, có nhiều ý kiến khác nhau từ phía các bộ ngành và địa phương. Tuy nhiên nhìn chung các lý do tập trung vào một số nhóm nguyên nhân chính đến từ cả trung ương và địa phương.
Về phía các bộ, ngành, kể từ khi Luật Đầu tư công chính thức có hiệu lực (từ 1-1-2015), hệ thống văn bản đi kèm vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ, dẫn đến việc trì trệ trong quá trình giải ngân vốn. Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn chậm là do một số bộ, ngành, địa phương chậm giao kế hoạch vốn của năm 2016 và thủ tục còn rườm rà. Tiêu biểu là các chương trình mục tiêu quốc gia, đến tháng 6-2016, các địa phương mới giao được vốn cho các đơn vị cấp dưới trong khi chưa giao danh mục chi tiết. Ngoài ra, phạm vi quyền hạn giữa chủ đầu tư và ban quản lý dự án chưa được cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.
Về phía địa phương, nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được xác định là do dự án vướng mắc, chậm bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án giao thông, do địa phương chưa vào cuộc quyết liệt để cùng nhà đầu tư triển khai dự án. Một số dự án, tuy đã hoàn thành nhưng khâu hoàn thiện hồ sơ thanh, quyết toán chậm. Với các dự án khởi công mới, thủ tục triển khai cũng chậm. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa thành lập được ban quản lý dự án chuyên ngành, hoặc khu vực theo quy định của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án mới.
Luật Đầu tư công - đúng nhưng phải đủ
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ ngành và địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn năm 2016. Đây là một biện pháp kịp thời nhưng vẫn mang tính tình thế. Trong tháng cuối năm, rất cần các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư thường xuyên, cũng như tăng cường đôn đốc việc quyết toán dự án theo tiến độ đối với các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, để việc giải ngân vốn đầu tư công không còn bị chậm tiến độ trong những năm tới, cần một chính sách dài hơi hơn, mà cụ thể là một hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ đi kèm cùng Luật Đầu tư công.
Việc ban hành Luật Đầu tư công là một bước tiến trong quá trình nâng cao tính hiệu quả và minh bạch của đầu tư công. Tuy nhiên việc thiếu hệ thống văn bản chính sách đi kèm đang làm giảm hiệu quả của luật, tạo nhiều khoảng trống khiến các bộ ngành và địa phương trì hoãn việc giải ngân vốn.
Các văn bản chính sách bổ sung cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong quá trình giải ngân vốn, đồng thời tạo sự đồng bộ từ quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án cho đến việc triển khai thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch đầu tư công.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn) Trịnh Duy Hoàng - Đinh Tuấn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét