Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Một quyết định "đạp đổ nồi cơm" của những ai lợi dụng chính sách


Cập nhật lúc 08:29

Việc cải cách, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, bãi bỏ các văn bản, quy định phí lý như Thông tư 37 là "đạp đổ" các "nồi cơm" nhỏ của một số ông cán bộ, công chức có lợi ích nhưng nó sẽ nhằm làm cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước được thuận lợi, phát triển, làm "nồi cơm" của đất nước lớn hơn.
 

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tuần trước, Quyết định của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh về việc bãi bỏ quy định mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may đã nhận được tán đồng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là một quyết định đầy khó khăn, song doanh nghiệp cả nước còn chờ đợi nhiều hơn thế, không chỉ ở Bộ Công Thương mà còn nhiều bộ, ngành khác.
Quyết định trên thực sự khiến hàng ngàn doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may reo mừng bởi lẽ, Thông tư 37/TT-BCT ban hành dưới thời cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng (ban hành ngày 30/10/2015, nhưng theo Bộ Công Thương, thực tế quy định này đã được triển khai từ năm 2009) về việc kiểm tra các chất trên, ngay từ khi nó ban hành đã được các doanh nghiệp phản ứng dữ dội. Bởi lẽ, nó có những quy định vô lý đến nỗi ai đọc qua cũng nhận thấy: Doanh nghiệp nhập dù 1 mét vải hay 1 cái khuy quần, nơ áo... về làm mẫu cũng bị kiểm tra chuyên ngành với chi phí 1,5-2,5 triệu đồng, 1 kiện hàng nhỏ sẽ mất khoảng 8 triệu đồng... và ít nhất 3 ngày chờ đợi.
Có những doanh nghiệp cho biết, chỉ một năm thôi, chi phí cho việc kiểm tra cho doanh nghiệp này đã mất vài trăm tỷ đồng. Vậy thì nhân lên với số doanh nghiệp dệt may, số tiền mất được tính ít nhất vài ngàn tỷ đồng mỗi năm. Hầu như trong các hội thảo, tọa đàm về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quy định này cũng đều được các doanh nghiệp nhắc đến với sự khó chịu cao độ, thậm chí là cả sự giận dữ... và thật may, đến thời điểm, dù muộn, nó cũng đã được bãi bỏ.
Không chỉ có Thông tư 37, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện còn vô số quy định kiểm tra chuyên ngành khiến doanh nghiệp tốn kém quá lớn chi phí kiểm tra, thời gian thông quan hàng hoá. Trong một hội thảo gần đây, Viện này nêu: Môt doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng 8 máy làm mát trị giá 8.000 USD, tương đương khoảng 165 triệu đồng, nhưng chi phí thử nghiệm, kiểm tra chất lượng lên đến 134 triệu đồng (thử nghiệm tại Quantest 1), chưa kể chi phí vận chuyển. Có doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản một năm chi phí khoảng 6 tỉ đồng cho việc thực hiện kiểm tra chất lượng hàng thủy sản.
Trong một lần nói chuyện gần đây với Dân trí, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, còn rất nhiều quy định, văn bản "từa tựa như Thông tư 37" và chính ngành Hải quan cũng muốn các Bộ, ngành xem xét lại để xoá bỏ đi cho thuận lợi công tác kiểm tra hải quan. "Tuy nhiên, việc này theo tôi thấy nó được triển khai rất chậm chạp", ông Cẩn nói.
Điều ông Cẩn nói là vấn đề hiện hữu vì chính trong tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ (cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế). Trong đó đã nêu rõ những mục tiêu của Nghị quyết còn xa mới đạt được do vẫn còn nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những quy định về quản lý chuyên ngành.
Theo Bộ này, việc cải cách, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu chưa có sự cải thiện (ngoại trừ một số ít lĩnh vực như kiểm dịch thực vật,…). Việc quản lý và kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết vẫn đang là trở ngại, gây khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí và gây bức xúc trong doanh nghiệp. Bộ này khẳng định: Chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành không giảm so với năm trước và chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn.
Nhưng tăng là tăng bao nhiêu, số tiền chi phí vô lý do những thủ tục kiểm tra chuyên ngành kiểu "Thông tư 37" là bao nhiêu thì chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không trả lời được chính xác mà chỉ ước tính "vài ngàn tỷ đồng". Con số này chắc cũng không chính xác nốt bởi với ngay Thông tư 37, Hiệp hội Dệt may cũng đã ước tính đã làm tăng chi phí bất hợp lý khối doanh nghiệp ngành may mặc hàng ngàn tỷ đồng rồi.
Với các doanh nghiệp, ai cũng biết rằng, việc đặt ra những thủ tục, quy định kiểm tra chuyên ngành bất hợp lý là một trong những cách "làm ăn", kiếm tiền lót tay để mua nhà, mua xe, cho con đi du học... của khá nhiều cán bộ, công chức các bộ, ngành. Cho nên, việc bãi bỏ nhiều thủ tục, quy định như Thông tư 37, không khác gì việc làm "đạp đổ nồi cơm" của những người nghĩ ra và duy trì thực hiện các quy định phi lý.
Nhưng chính vì thế, đây là quyết định “đạp đổ nồi cơm” của những ai lợi dụng chính sách để đem lại lợi ích cho dân. Vì thế, cần nhiều hơn nữa những quyết định "đạp đổ" đó như Quyết định tuần trước của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Đây là một trong những việc phải làm theo tinh thần “tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp” như phát biểu tại lễ nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
(Theo Dân trí) Mạnh Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét