Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Formosa được hoàn thuế 13.000 tỷ: Dư luận lăn tăn là đúng...

Cập nhật lúc 14:28
(Doanh nghiệp) - Các chuyên gia cho rằng số tiền Formosa được hoàn thuế quá lớn so với những thiệt hại. Vì vậy cần phải xem xét, kiểm tra lại.
Hoàn thuế quá lớn
Sau khi đăng bài phản ánh về việc Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2014 đến tháng 5/2016 đã giải quyết hoàn thuế VAT cho Formosa Hà Tĩnh số tiền lên tới 13.483,4 tỷ đồng, Đất Việt tiếp tục nhận thêm được nhiều ý kiến chia sẻ của các chuyên gia kinh tế.
GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho rằng số tiền mà Formosa Hà Tĩnh được hoàn thuế là rất lớn và cần phải xem xét lại việc này.
 Formosa duoc hoan thue 13.000 ty: Du luan lan tan la dung...
Các chuyên gia cho rằng số tiền Formosa được hoàn thuế quá lớn so với những thiệt hại. Vì vậy cần phải xem xét, kiểm tra lại.
“Việc hoàn thuế hiện nay cũng có nhiều vấn đề chưa được rõ ràng. Có những trường hợp bị gian lận ngay trong hoàn thuế VAT. Cho nên dư luận hoài nghi và lăn tăn về khoản thuế Formosa được nhận cũng có lý, có cơ sở. Và điều đó đòi hỏi phải có sự kiểm tra rõ ràng, công khai minh bạch.
Việc Formosa vừa gây ô nhiêm môi trường ở miền Trung và đền bù chúng ta 11.500 tỷ, giờ hoàn thuế hơn 13.000 tỷ đồng. Bối cảnh hiện nay khiến nhiều người dân bức xúc, cảm giác lo lắng khi một công ty như Formosa chưa khánh thành, chưa đi vào sản xuất lại được hoàn thuế quá lớn”, GS.TS Đào nhấn mạnh.
Vị giáo sư cho rằng, từ trường hợp của Formosa cho thấy các doanh nghiệp FDI được nhận quá nhiều ưu đãi và hỗ trợ so với các doanh nghiệp trong nước, dẫn đến tình trạng bất công, cạnh tranh không lành mạnh.
 “Từ việc ưu đãi và có nhiều chính sách đối với FDI nên đã xảy ra nhiều vấn đề về chuyển giá, cù nhầy về thuế như trường hợp vàng Bồng Miêu ở Quảng Nam. Không chỉ riêng Formosa Hà Tĩnh mà còn nhiều Formosa cũng được nhận ưu đãi như vậy.
Chúng ta rải thảm, thu hút đầu tư thu hút đầu tư là tốt nhưng cách thu hút bằng mọi giá dẫn đến ô nhiễm môi trường, thuế má chúng ta ưu đãi, hỗ trợ và cuối cùng nhà nước chẳng thu được gì cả. Vì thế chúng ta phải xem lại cách thức thu hút đầu tư hiện nay”, GS.TS Đào nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng cần phải tách bạch hai sự việc rõ ràng, hỗ trợ do thiệt hại sự kiện ngày 13/5/2014 và ưu đãi để mời gọi đầu tư nước ngoài.
“Tôi không thể tin được thiệt hại từ sự kiện 13/5/2014 lên đến trên 10 ngàn tỷ mà phải hoàn thuế cho Formosa như vậy, do đó cần phải xem xét lại vì sao con số lên đến như vậy và phải minh bạch cho người dân được biết”, PGS.TS Ngãi nêu quan điểm.
Kiên quyết dừng hỗ trợ Formosa
Trước đề xuất của Tổng cục thuế về việc dừng hỗ trợ, ưu đãi cho Formosa trước thời điểm 1/9/2016, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng cần phải có những biện pháp cứng rắn, kiên quyết, mạnh tay trước những vi phạm của công ty này.
“Tôi hoàn toàn đồng tình trước kiến nghị mạnh dạn của Tổng cục thuế. Đối với trường hợp Formosa chúng ta không có lợi gì cả, khi vừa bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vừa bị hoàn thuế số tiền khổng lồ như vậy. Rõ ràng với những dự án mà dư luận đang xôn xao như Formosa thì chúng ta cần phải có những biện pháp chặt chẽ và rõ ràng, minh bạch, hướng tới hiệu quả”, GS.TS Đào nhấn mạnh.
Theo vị giáo sư, trong làm ăn kinh tế thì cần phải chú ý đến việc thúc đẩy hợp tác để 2 bên cùng có lợi. Nếu một bên được hưởng quá nhiều ưu đãi, còn một bên bị thiệt hại nặng nề thì cần phải xem lại mối liên hệ đang tồn tại này.
“Hiện nay với Formosa chúng ta chả có lợi gì cả, chả được bao nhiêu. Chúng ta cần cân nhắc lại cho hợp lý chứ không quay đi quay lại nhà nước và người dân đều thiệt”, GS.TS Đào lo ngại.
Cùng nêu quan điểm trước vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam luôn tác động 2 mặt đến doanh nghiệp trong nước. Tích cực, nếu doanh nghiệp trong nước liên kết  được với doanh nghiệp nước ngoài, sản xuất hàng hóa phụ trợ... Tiêu cực, nếu liên kết được thì phải cạnh tranh cả về thị trường và nguồn lực.
“Nếu doanh nghiệp nước ngoài còn được chính sách ưu đãi nữa thì doanh nghiệp trong nước sẽ vô cung khó khăn. Do đó cần tận dụng mặt tích cực, hạn chế tiêu cực, cần một sân chơi bình đẳng, chấm dứt ưu đãi cho doanh nghiêp nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong nước phát triển”, vị chuyên gia nói.
Chú trọng doanh nghiệp FDI có công nghệ tiên tiến
Từ những phân tích trên, GS.TS Đặng Đình Đào khẳng định, đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi chính sách đối với FDI để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong  và ngoài nước.
“Chính sách FDI hiện nay của chúng ta vẫn là mở cửa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện để phát triển nền kinh tế của Việt Nam.
Nhưng mà đối với những dự án đầu tư hiện nay đã đã đến lúc chúng ta cân nhắc, xem xét và thắt chặt hơn. Cần phải bỏ ngay tư tưởng ào ào thu hút bằng mọi giá, trải thảm để mời gọi FDI. Chúng ta vẫn tiếp tục kêu gọi FDI và cũng có nhiều nước đầu tư vào, nhưng cần hết sức chú ý tới công nghệ cao, bảo đảm về môi trường, tránh những trường hợp như Formosa”, GS.TS Đào nêu quan điểm.
Dẫn chứng thêm về việc Việt Nam thu hút đầu tư bằng mọi giá, vị chuyên gia nêu trường hợp của nhà thầu TATA STEEL của Ấn Độ.
Theo GS.TS Đào, trước Formosa, tập đoàn sản xuất thép lớn của Ấn Độ đã dành nhiều sự quan tâm tới khu kinh tế Vũng Áng từ đầu những năm 2000. Tới năm 2007, công ty này ký cam kết đầu tư với Hà Tĩnh sẽ xây nhà máy gang thép có tổng mức đầu tư 5 tỷ USD, công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm.
“Nhưng vì nhiều vấn đề, trong đó có việc ứng tiền giải phóng mặt bằng mà tập đoàn Ấn Độ đã thất bại và phải tuyên bố dừng ý định đầu tư nhà máy gang thép tại Vũng Áng. Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm Formosa nên việc thu hút đầu tư những lần tiếp theo phải hết sức thận trọng, đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng”, vị GS nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, cần nhận rõ vai trò của doanh nghiệp trong nước đối với phát triển kinh tế của Việt Nam để có những điều chỉnh cho phù hợp trong chính sách.
“Đã đến lúc doanh nghiệp trong nước phải thay thế dần doanh nghiệp nước ngoài và cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thay vì nước ngoài. Họ tạo ra Tổng sản phẩm quốc dân (GNP), sản phẩm của họ làm ra thật sự là của người Việt Nam và góp phần việc nâng cao mức sống của người Việt Nam”, PGS.TS Ngãi nói thêm.
(Theo Đất Việt) Hoàng Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét