Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Siêu dự án sông Hồng: Đừng để lợi nhất là Trung Quốc

Cập nhật lúc 08:37   

(Tin tức thời sự) - Những dự án không khả thi thì không cần suy xét, quy hoạch hay đánh giá lại, vì các khâu này vô cùng tốn kém.
Dừng hẳn dự án là tốt nhất
Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ có văn bản nêu rõ chưa xem xét phê duyệt dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng, ngày 11/5, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã nêu ý kiến kiến nghị Chính phủ loại bỏ hẳn đề xuất dự án này, không yêu cầu làm bổ sung quy hoạch để tránh tốn kém không cần thiết cũng như bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên của dòng sông Hồng cho các thế hệ mai sau.
Ngay sau khi VRN có kiến nghị nêu trên, nhiều chuyên gia trong ngành môi trường nước đều bày tỏ ý kiến đồng tình với việc loại bỏ dự án.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 13/5, GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết: "Tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ kiến nghị loại bỏ hẳn đề xuất dự án này của VRN.
Bởi vì, tôi thấy việc thẩm định, xem xét dự án nào cũng cần phải đáp ứng được các yếu tố kinh tế, kỹ thuật, môi trường nhưng dự án này hoàn toàn không hề có. Thậm chí, không có lợi cho Việt Nam, mà nước được hưởng lợi nhất là Trung Quốc, cụ thể là tỉnh Vân Nam.
Một dòng sông như thế mà cắt ra thành nhiều thủy điện nhỏ, tác động đến dòng chảy, phá hủy tài nguyên, cảnh quan tự nhiên. Phải dừng ngay dự án, không cần bổ sung quy hoạch để tránh tốn kém thêm”.
Hơn nữa, dự án trên, nhà đầu tư lại được làm chủ đầu tư, xây dựng theo hình thức BOO, nghĩa là được phép khai thác, sử dụng, không cần hoàn lại. Khi đó, tất nhiên vì mục đích kinh tế, chúng ta không loại trừ khả năng nhà đầu tư bán lại cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
 Sieu du an song Hong: Dung de loi nhat la Trung Quoc
Sông Hồng đoạn nhìn từ cầu Long Biên (Hà Nội)
Tất yếu, các cá nhân nước ngoài sẽ chiếm toàn bộ con sông Hồng, đây là điều hết sức thiệt hại, đau đớn cho chúng ta.
Bên cạnh đó, theo ông Giang, việc khai thác vận tải thủy trên đoạn sông qua Lâm Thao - Việt Trì - Lào Cai là không có hiệu quả bởi lưu lượng vận chuyển hàng hóa tại đây rất ít. Như thế, dự án chủ yếu làm lợi cho các đối tượng khác muốn lợi dụng dòng chảy để giao thương.
Có thể nhìn thấy rõ, đây là tuyến giao thông thủy xuyên Á, thì ai có nhu cầu vận tải xuyên Á mới sử dụng, còn người dân sống ven vùng sông Hồng không mấy ai có nhu cầu vận tải này.
Trong khi, tỉnh Vân Nam lại rất gần con đường đưa xuống vùng hạ du và đi ra biển, họ đã làm một tuyến đường thủy ở sông Mê Kông từ Vân Nam xuống đến Thái Lan, qua Lào. Chắc chắn, họ sẽ có tham vọng làm thêm một con đường nữa là sông Hồng, đây là con đường được đánh giá thuận lợi khi đối diện với tỉnh Vân Nam.
"Các bộ cho ý kiến và gửi Chính phủ rất nhanh. Dựa trên cơ sở phản biện, đánh giá đầy đủ, nếu Chính phủ tuyên bố dừng hẳn dự án là tốt nhất", ông Giang khẳng định.
Không khả thi thì loại bỏ
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm, bà Lâm Thị Thu Sửu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD), điều phối viên Mạng lưới sông ngòi cho biết: "Tôi cũng đồng tình với đề xuất của mạng lưới sông ngòi Việt Nam. Vì có thể thấy rõ những ảnh hưởng, tác động của dự án này khi được triển khai.
Thứ nhất, trọng lượng điện năng từ siêu dự án sông Hồng mang lại là quá nhỏ, góp chưa đến 1% tổng điện năng quốc gia. Trong khi, khi làm dự án thủy điện bậc thang nó sẽ băm nát dòng sông Hồng này.
Thứ hai, nguồn lợi của dự án này không phải doanh nghiệp Việt Nam, mà vô tình lại tiếp tay cho ý đồ của Trung Quốc muốn bành trướng của khu vực xuyên Á. 
Thứ ba, liên quan tới việc ngăn lũ của dòng sông, bây giờ làm thủy điện, đáy sông bị ảnh hưởng nhiều.
Tiếp tục sẽ là những yếu tố liên quan đến chức năng của dòng sông vô cùng to lớn, đây không thể đơn thuần là giao thông, trong khi, bảo vệ giữa các dòng sông càng nhiều sẽ càng tốt chứ không phải phá vỡ.
Tuy nhiên, chức năng duy trì sinh thái, biến đổi khí hậu, duy trì dòng chảy, đa dạng sinh học, tất cả chức năng đó cần phát huy, bảo tồn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu".
Chính vì thế, bà Sửu kiến nghị loại bỏ hẳn dự án không cần suy xét, quy hoạch hay đánh giá lại, những dự án như trên, càng phải thận trọng, khi thấy không khả thi thì nên loại bỏ luôn.
Một vấn đề khác, được bà Sửu chỉ rõ, đó chính là, quản lý của chúng ta không mạnh dạn nói không với một dự án nào đó, bất kỳ một dự án nào đưa ra cũng được trả lời là vẫn đang trong thời kỳ xem xét, đánh giá lại, quy hoạch lại, đợi báo cáo đầy đủ.
Trong khi, thực ra để thực hiện một báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), báo cáo khả thi một dự án mất rất nhiều công sức, mà cái đó chắc chắn về mặt pháp lý, về mặt kỹ thuật không chấp nhận được thì nên chấm dứt ngay từ đầu.
Bà Sửu nhấn mạnh thêm: "Đây là về mặt tư duy phát triển, các nhà quản lý cần có sự cương quyết trong việc xem thử dự án nào hợp với tư duy phát triển trong bối cảnh hiện tại và tương lai.
Đặc biệt, là khi chúng ta đang cần nước, duy trì nguồn nước, bảo vệ các dòng sông thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì sinh thái, thì phải nói không với các dự án đang phá hủy hệ sinh thái của sông".
(Theo Đất Việt) Châu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét