Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Khoán xe công đến cấp thứ trưởng: Mỗi năm tiết kiệm cả nghìn tỉ đồng

Cập nhật lúc 13:56                  

Đó là ý kiến của ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội (QH). Với 40.000 xe ôtô công, chi phí hằng năm lên tới 13.000 tỉ đồng thì đề xuất của Ủy ban TC-NS của QH về việc đưa vào dự thảo Nghị quyết nội dung giao Chính phủ thực hiện khoán xe công cho một số chức danh đã nhận được đồng tình của các đại biểu QH và dư luận.

Bởi theo tính toán của Bộ Tài chính, chỉ nội việc giảm số lượng xe công sử dụng tại các cơ quan nhà nước, sự nghiệp công lập, mỗi năm sẽ giúp giảm khoảng 7.000 xe công và khoảng 500 tỉ đồng mua xe thay thế.
Khoán xe công: Mũi tên trúng nhiều đích
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, việc đưa vào nghị quyết của QH nội dung giao Chính phủ khoán xe công cũng là chủ trương đã được thống nhất phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý tài sản công, việc quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản nhà nước, từ đó hạn chế tình trạng sử dụng xe công lãng phí, sai mục đích.
Theo quy định tại Quyết định 32/2015/QĐ-TTg của Chính phủ thì chỉ có các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 và chức danh Thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được phép sử dụng xe ôtô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. 
Tuy nhiên, nếu trường hợp các chức danh có đủ tiêu chuẩn được sử dụng xe tự nguyện đăng ký nhận khoán kinh phí sử dụng xe công thì mức khoán sẽ được xác định theo từng tháng, trên cơ sở: Khoảng cách thực tế từ nhà ở đến nơi làm việc hoặc khoảng cách thực tế đi công tác; đơn giá bình quân được tính là giá bình quân của phương tiện vận tải công cộng (cụ thể là đơn giá của các hãng xe taxi phổ biến trên thị trường); Số ngày làm việc theo quy định; Số lượt đưa đón (2 lượt/ngày). 
 
 Chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: T.L
Đối với xe ôtô phục vụ công tác chung cũng được quy định gút lại từ 1-2 xe/đơn vị công lập, không chung chung như trước. Ông Hiển cho biết, theo hướng này thì tới đây nghị quyết của QH giao Chính phủ việc khoán xe công sẽ thực hiện khoán xe công cho các chức danh từ Thứ trưởng trở xuống, tính ra mỗi năm Việt Nam có thể tiết kiệm cả ngàn tỉ đồng.
Đồng tình với quan điểm, một mũi tên hướng nhiều mục tiêu, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng: Việc khoán kinh phí sử dụng xe ôtô theo giá thị trường sẽ là một bước thay đổi lớn trong việc trang bị, bố trí, sử dụng xe ôtô công tại các cơ quan, đơn vị; khuyến khích các cơ quan, đơn vị dần chuyển sang hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ôtô, thúc đẩy dịch vụ phương tiện vận chuyển công cộng, giảm biên chế hành chính và chi phí sử dụng phương tiện đi lại. “Những đồng chí ở cấp phó như thứ trưởng nên thực hiện việc khoán sử dụng xe công vào lương và phải thực hiện nghiêm”. 
Bà An lấy ví dụ ở Thường vụ QH, một số đồng chí Phó Chủ nhiệm của các ủy ban cũng đã thực hiện việc sử dụng xe công theo hình thức khoán, nhận 120 triệu đồng/năm, như vậy so với chi phí sử dụng xe công một năm (mức 320 triệu đồng), là tiết kiệm cho dân, cho Nhà nước 200 triệu đồng/năm. Nếu 10 người thực hiện tiết kiệm cho Nhà nước 2 tỉ đồng”.
Phải tăng cường giám sát
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, số lượng xe ôtô phục vụ công tác chung hiện có là 24.460 chiếc, nếu tính toán theo định mức mới ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại. Như vậy, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỉ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng. Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nhận xét: Để tiết kiệm sử dụng xe công hiệu quả, theo tôi là phải rà soát lại các đối tượng được sử dụng xe công để áp dụng mức khoán để giảm chi cho Nhà nước. 
Việc khoán xe công là quy định không mới nhưng việc tổ chức thực hiện không được như mong đợi do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là mức khoán chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là trong điều kiện giá xăng dầu có nhiều biến động. Nếu cơ chế thông thoáng, đảm bảo các chi phí hợp lý, tôi tin người nhận khoán xe sẽ nhiều hơn và từ đó tiết kiệm được chi tiêu cho Nhà nước. Việc khoán sử dụng xe công có thể áp dụng cho cả Bộ trưởng, chứ không chỉ từ Thứ trưởng như đề xuất.
Tuy nhiên, trên thực tế, khâu giám sát việc thực hiện vô cùng quan trọng. Bộ Tài chính cũng thừa nhận, chính sách về quản lý xe công được ban hành từ 2008, nhưng đến nay cả nước cũng chỉ có vài người thực hiện. Hay như Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên cả nước có ý tưởng quy về một mối trung tâm hành chính tập trung, đưa đón lãnh đạo và nhân viên công sở bằng xe công. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, Đà Nẵng vẫn thực hiện giao cho từng sở, ngành quản lý xe công như trước đây. 
Ông Lê Bá Dũng - Phó GĐ Sở Tài chính - cho hay, hiện sở này vẫn chưa có thống kê toàn địa bàn có bao nhiêu xe công vụ đang được sử dụng, cũng như chi phí hằng năm cho số lượng xe này. Ý tưởng được đưa ra từ thời ông Nguyễn Bá Thanh, nhưng tới nay vẫn còn nhiều khó khăn chưa thực hiện được, ông Dũng nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM): Chỉ Bộ trưởng mới được đi xe công
Theo tôi nên khoán tiền là tốt nhất. Theo ý kiến của tôi thì chỉ từ Bộ trưởng trở lên mới được cấp xe công. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Sử dụng xe công như là xe riêng nên siết lại. Thực ra, người ta vẫn đang muốn sử dụng xe công như là xe riêng, tức là có người lái xe phục vụ mình mọi lúc - điều này là không hợp lý khi họ sử dụng xe công cả vào việc công lẫn việc tư. Theo tôi, nên siết lại đối tượng sử dụng xe công như hiện nay. P.L (ghi)
Dân sẽ giám sát và tố cáo việc quản lý, sử dụng xe công trái quy định
Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cũng cho biết, với những chế tài cụ thể trong Quyết định 32 thì người dân và truyền thông cũng có thể tham gia giám sát. Khi phát hiện vi phạm có thể thông báo cho Cục Quản lý công sản và Sở Tài chính địa phương để tiếp nhận, làm rõ và kịp thời xử lý. Q.Hùng
 Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã công bố số liệu hiện cả nước có gần 40.000 xe ôtô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp nhà nước. Chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm và ước tính mỗi năm Nhà nước phải chi gần 13.000 tỉ đồng. Với việc chuyển đổi phương thức trang bị xe ôtô công từ nguyên tắc “không vượt quá số xe ôtô hiện có” như trước đây sang trang bị theo định mức từ 1-2 xe/đơn vị, theo Bộ Tài chính sẽ làm giảm một số lượng lớn xe ôtô phục vụ công tác chung.
(Theo Lao động) Hồng Quân - Xuân Hải - Nhiệt Băng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét