Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Nguyên tắc độc lập, tự chủ trong đường lối quốc phòng với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia

Cập nhật lúc 13:26  

Hiện nay, trên không gian mạng vẫn còn “dư âm” về Diễn đàn an ninh châu Á Shangri-La lần thứ 14 vừa diễn ra tại Xin-ga-po. Những vấn đề địa-chính trị phức tạp, nóng bỏng và chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam đã và đang trở thành chủ đề mà các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để xuyên tạc đường lối chính trị, chiến lược an ninh, quốc phòng của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Có người còn đặt câu hỏi, phải chăng đã đến lúc Việt Nam nên từ bỏ chính sách ba không: "Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia"(!)
Từ lý luận, kinh nghiệm lịch sử, trong điều kiện địa-chính trị của Việt Nam, để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có biển, đảo, chúng ta cần phải tái khẳng định nguyên tắc độc lập, tự chủ trong đường lối chính trị và chiến lược quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. Muốn vậy, cần nhận thức đúng tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam; cần xác định đúng đắn phương hướng giải quyết những khác biệt và tranh chấp về lợi ích giữa Việt Nam với các nước.
Đối với Việt Nam, biển, đảo là một phần quan trọng trong không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc, cũng có thể nói đó là đặc ân mà thiên nhiên đã ban tặng cho dân tộc ta. Bờ biển Việt Nam dài hơn 3.260km với diện tích biển khoảng hơn 1 triệu ki-lô-mét vuông, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Biển, đảo, thềm lục địa nước ta là ngư trường giàu có, từng nuôi sống hàng triệu ngư dân và là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu khí. Hiện nay, kinh tế biển là nơi hấp dẫn của các tập đoàn dầu khí, nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với các quốc gia trong khu vực và các nước trên thế giới, Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là tuyến đường biển nhộn nhịp đứng thứ hai của thế giới (sau Địa Trung Hải). Ở đây có eo biển Malacca đóng vai trò quan trọng về  kinh tế và quốc phòng đối với nhiều quốc gia.  

Khối sĩ quan đặc công tại Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Với Mỹ, Biển Đông là khu vực hoạt động chính của Hạm đội 7. Theo nhiều tài liệu hiện nay có tới 90% hàng hóa của Mỹ và hàng hóa đồng minh chuyên chở qua Biển Đông. Với Trung Quốc, hằng năm có tới 50% (trong 160 triệu tấn dầu) và 70% hàng hóa cũng đi qua khu vực này. Với Nhật Bản, 70% lượng dầu nhập khẩu và 42% lượng hàng hóa xuất khẩu phải đi qua vùng biển này... Đây chính là lý do vì sao nhiều cường quốc xem việc kiểm soát Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, là lý do “xoay trục”, là thực hiện chiến lược “tái cân bằng lực lượng” của mình ở khu vực này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc tôn tạo đảo nhân tạo trái phép, tiến tới lập ADIZ (vùng nhận diện phòng không) trên Biển Đông chẳng khác nào tạo ra “cục máu đông” trong huyết mạch khu vực và thế giới sẽ gây ra “đột quỵ” nhiều nền kinh tế lớn. Người ta có thể thấy trước khủng hoảng kinh tế, chính trị-quân sự khu vực và toàn cầu nếu tình hình không thay đổi.
Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc trong thế kỷ XX, nhiều cường quốc đã lợi dụng việc giúp đỡ Việt Nam, rồi lại thỏa hiệp với nhau vì lợi ích của họ. Là một dân tộc có truyền thống khoan dung, Việt Nam tuy không quên quá khứ, nhưng chúng ta tự tin để xây dựng các quan hệ quốc tế mới hướng tới tương lai. Những nguyên tắc để xây dựng các quan hệ quốc tế đó là: Tôn trọng quyền dân tộc tự quyết (trong đó có quyền tự quyết về thể chế chính trị) tôn trọng chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo; tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển  (UNCLOS) 1982.
Đối với những vấn đề lịch sử, Việt Nam mong muốn tiếp tục phát triển những mặt tích cực, đặc biệt là không bao giờ quên sự giúp đỡ, ủng hộ của tất cả các quốc gia, dân tộc trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam lên án trước dư luận quốc tế đối với một số cơ quan truyền thông nước ngoài xuyên tạc lịch sử, phá hoại nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng các quan hệ quốc tế mới vì lợi ích của nhân dân mỗi nước và vì hòa bình thịnh vượng của cộng đồng quốc tế. Thiết nghĩ, Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể chia sẻ với Việt Nam nhận thức này.
Muốn giảm thiểu những khác biệt về chính trị và tranh chấp lợi ích và phát triển các quan hệ quốc tế của Việt Nam với các nước, cần theo con đường nào?
Trước hết, cần thay đổi tư duy chính trị của thời kỳ “chiến tranh lạnh”. Nói cách khác phải từ bỏ nhận thức cho rằng các cuộc tranh chấp lợi ích, xung đột vũ trang giữa các nước ngày nay vẫn bắt nguồn từ sự khác biệt về chế độ chính trị, hệ tư tưởng. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của những cuộc chiến tranh đã diễn ra trong lịch sử thế kỷ XX về cơ bản bắt nguồn từ lợi ích dân tộc. Ngày nay, những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp và xung đột một mặt vẫn vì lợi ích dân tộc, nhưng đã được bổ sung thêm những nguyên nhân khác, đó là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Đối với Hoa Kỳ, con đường giải quyết những khác biệt về chính trị, phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam được mở ra từ tháng 7-1995, khi hai bên tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Cho đến nay quan hệ giữa hai quốc gia đã được 20 năm. Có thể nói, bước phát triển về chất quan hệ giữa hai quốc gia là sự kiện hai nguyên thủ Việt Nam và Hoa Kỳ ký “Tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước” trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7-2013. Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ bao gồm tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền con người. Đặc biệt, hai nguyên thủ đã trao đổi và khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.
Với sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, quan hệ hợp tác toàn diện dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau: Tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung; Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Quan điểm của Việt Nam trong việc rút ngắn sự khác biệt nào đó về thể chế, pháp luật… giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có quyền con người, chỉ có thể là đối thoại cởi mở, trên cơ sở tôn trọng thể chế của mỗi nước, không quốc gia nào có quyền xem những khác biệt nào đó về thể chế hoặc pháp luật làm điều kiện cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.
Trong vấn đề Biển Đông, quan điểm của Việt Nam là rõ ràng: Biển, đảo của Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, phản đối những việc làm thay đổi nguyên trạng, đặc biệt là việc tôn tạo đảo phục vụ cho việc mạo nhận chủ quyền và khống chế quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, Việt Nam tái khẳng định các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.
Do tầm quan trọng của Biển Đông đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam thừa nhận và hoan nghênh các quốc gia tham gia vào việc giải quyết những bất đồng về vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, phòng ngừa rủi ro, trong các hoạt động trên Biển Đông. Việt Nam tái khẳng định tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN, sớm có Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Nguyên tắc độc lập, tự chủ, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, cùng với chính sách “Không tham gia liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”, không chỉ là kinh nghiệm quý của cách mạng Việt Nam, mà còn là truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, Quân đội ta. Đây còn là cơ sở chính trị cho hợp tác quốc tế nói chung, trong đó có hợp tác về quân sự của Việt Nam với các nước, không phân biệt chế độ xã hội, hệ tư tưởng nhằm giữ gìn môi trường hòa bình để xây dựng đất nước.
(Theo QĐND) BẮC HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét