Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

"Một thế kỷ bị sỉ nhục", hậu duệ Khổng Tử vẫn không nhớ lời ngài dạy!


Chữ “Đạo” dành cho bậc chính nhân quân tử, ấy là đạo lý, đạo nghĩa, đạo đức, cũng lại dành cho kẻ tiểu nhân, đó là đạo văn, đạo tặc, đạo lịch sử, đạo đồng chí.
Đọc lời khuyên của Khổng Tử, đọc Luận Ngữ, không biết trên đời này có ai hiểu hết những ẩn ý hàm chứa trong từng câu chữ bằng người Trung Quốc?
Trong các lời khuyên của Khổng Tử được lưu truyền khắp thế giới, có mấy điều mà thiên hạ tâm đắc:
Người không có chữ tín sẽ chẳng làm nên việc gì.
Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng vì rượu đã làm cho nhiều người gục ngã.
Trình Y Xuyên, một nhà nho đời  Tống nói: “Ai đọc xong Luận Ngữ mà vẫn còn những tính nết như trước khi chưa đọc thì người ấy chưa hiểu được sách Luận Ngữ”.
Người Trung Quốc xây viện Khổng Tử khắp thế giới với mục đích quảng bá văn hóa Trung Hoa, cũng có ý rằng họ là bậc thầy uyên thâm Khổng Tử, uyên thâm Luận Ngữ, thiên hạ cần phải học theo họ, dành thời gian và trí tuệ mà nghiền ngẫm, lấy đạo lý của Khổng Tử làm gương soi!
Có điều, càng tìm cách hiểu Khổng Tử, Luận Ngữ, lại càng thấy khó hiểu vì những gì Khổng Tử xem là chân lý, thì hậu duệ của ngài lại xem là vô tác dụng, nếu không bị vứt bỏ thì cũng phải hiểu khác đi, thậm chí là phải hiểu ngược lại?
Khổng Tử, trong Luận Ngữ nói: “Vui đến tận cùng thì nét mặt hoảng hốt, buồn đến tận cùng thì thần thái tỉnh bơ. Ngu đến tận cùng lại chính là đang ở chỗ chân lý. Hiểu đến tận cùng lại chính là quay trở lại cái lúc ngu”.
“Một thế kỷ bị sỉ nhục” là cách nói của chính người Hoa đại lục để chỉ thời kỳ đất nước này bị Tây phương, Nhật Bản xâu xé. Hơn trăm năm trước, đất nước Trung Hoa chỉ là miếng mồi béo cho những kẻ "bé tí" như Hà Lan, Bồ Đào Nha, hay Anh, Pháp chia phần.
Thật ra người ta đã có chủ ý khi chỉ nói là “một thế kỷ”, còn để nói cho chính xác thì phải là ba thế kỷ, kể từ 1644 khi người Nữ Chân của quốc gia Hậu Kim Triều (Thanh) đô hộ Trung Nguyên.
Sau cái “ngu đến tận cùng”, sau những gì mà Lỗ Tấn đã viết trong “AQ chính truyện”, ngày nay Trung Hoa đã trở thành một quốc gia hùng mạnh, khoa học kỹ thuật phát triển, có lẽ vì thế họ cho rằng họ “đang ở chỗ chân lý”?
Phải chăng khi vượt qua được cái “ngu đến tận cùng”, khi có trong tay tàu bay, tàu ngầm, tên lửa, hay bom A, bom H,… nghĩa là người ta đạt đến chân lý, nghĩa là chân lý nằm trong tay kẻ mạnh?
Nhắc đến Khổng Tử và Luận Ngữ, phải chăng giới tinh hoa của Trung Quốc đã hiểu đến tận cùng triết lý của Ngài?
Nếu không hiểu biết, sao dám làm thầy người ta? Nếu hiểu biết chỉ ở mức “nhân chi sơ” sao dám dạy bảo thiên hạ? Còn nếu mà hiểu đến tận cùng, có phải là đang “quay trở lại cái lúc ngu”?
Nếu không phải như thế thì vì sao những điều Khổng Tử và môn đồ xem là chân lý, đối chiếu với lời nói và việc làm của cháu chắt Ngài hiện nay, đều khác xa nếu không nói là đảo ngược?
Khổng Tử nói: “Người không có chữ tín sẽ chẳng làm nên việc gì”, ngày nay người ta cho là chữ “Tín” chẳng nghĩa lý gì nếu lắm tiền, nhiều súng.
Có chữ Tín mới “chẳng làm nên việc gì”, cứ bội tín là chiếm được đất, được biển đảo của người khác, chữ vàng hay chữ bạc cứ vứt vào sọt rác, nhiều đến bốn chữ hay mười sáu chữ tất cả đều thua hai chữ “bội tín”.
Dựa vào đâu mà nói họ “bội tín”, điều này phải hỏi Đặng Tiểu Bình vì sao năm 1972, họ bật đèn xanh cho Mỹ rải thảm bom  B52 xuống Hà Nội khi nhân dân Việt Nam đang đổ máu xương giữ yên biên giới phía nam cho họ?
Vì sao năm 1979,  họ cấp súng ống, “chuyên gia” xúi Polpot đánh Việt Nam phía biên giới Tây Nam, lại còn xua quân xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam ở phía bắc?
Điều này cũng phải hỏi những người cầm quyền Bắc Kinh hiện tại vì sao ngày 15/5/2015 họ mong muốn  “hiện thực hóa nhận thức chung của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà  nước trong việc tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc không ngừng phát triển” thì ngay lập tức họ cũng dựng chuyện rằng Việt Nam “khiêu khích, gây sự cố để đẩy Bắc Kinh vào một cuộc chiến"?
Luận Ngữ viết: “chẳng phải cuộc đời bao giờ cũng chính là một vụ ăn cắp vĩ đại đó sao?”.
Nếu theo tình thế bây giờ thì phải chữa thành: “chẳng phải quan hệ láng giềng bao giờ cũng là một vụ ăn cướp vĩ đại đó sao?”.  
Thay từ “ăn cắp” bằng từ “ăn cướp” mới thể hiện được sức mạnh, mới là kẻ yêng hùng còn ăn cắp chỉ là kẻ tiểu nhân ốm đói, như đám tàn quân Tàu Tưởng năm 1945, không xứng với tầm vóc vĩ đại nhất nhì thế giới.
Luận về chữ “Thứ” (trong từ dung thứ), Khổng Tử viết “Điều mình không thích thì đừng làm cho người khác. Đối với quê hương, gia đình nên tránh gây thù, chuốc oán”.
Khi mang Khổng Tử ra thế giới thì phải mở rộng tấm lòng, không nên bó hẹp trong phạm vi bờ cõi Trung Hoa, nếu quả như thế thì nên viết: “Điều mà mình không thích thì đừng bắt người khác phải thích. Đối với bạn bè, đồng chí đừng nên gây thù, chuốc oán”.
Hãy hỏi bất kỳ người Hoa nào xem họ có thích đồ dùng gia đình nhiễm đầy chất độc không?
Chắc chắn người Hoa không thích điều đó, vậy tại sao họ cứ tuồn ra thế giới quần áo, bát đĩa, đồ chơi trẻ con, thực phẩm nhiễm độc… Hoa quả Trung Quốc để 6 tháng không hỏng, đến vi khuẩn độc hại cũng còn chết hết khi tiếp xúc thì huống chi là con người.
Đầu độc các dân tộc khác, một sự đầu độc có chủ ý lại được tiến hành bài bản có phải là hành động “gây thù chuốc oán” không? Gây chiến, nổ súng tấn công các nước có chung biên giới với lý do để thoát khỏi “thế kỷ bị sỉ nhục” chẳng lẽ không phải là “gây thù, chuốc oán”?
Người Hoa vẫn căm phẫn “cuộc chiến tranh nha phiến” khiến triều đình nhà Thanh phải dành một số đất đai cho thực dân phương Tây cai quản (Hongkong, Macao).
Thế còn người Việt, cả một “thiên niên kỷ bị đô hộ” chẳng lẽ không được phép làm theo họ? Chẳng lẽ phải viết lại lời Khổng Tử, rằng “điều mà người Hoa không thích nhưng người Việt phải thích”?
Khi viết  “Có ai ngờ đạo lý lại sinh ra từ đạo tặc? Lừa một người thì khó, lừa cả thiên hạ xem chừng dễ như trở bàn tay” có lẽ Khổng Tử không ngờ rằng hàng ngàn năm sau, sang tận thế kỷ 21, điều này lại được chứng minh chính xác như thế.
Với sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội, chẳng lẽ điều duy nhất khiến Trung Nam Hải tâm đắc là “đạo lý lại sinh ra từ đạo tặc”. Chẳng lẽ nhân loại phải thừa nhận, dù là “đạo tặc” nhưng mà lắm súng nhiều tiền thì sẽ có “đạo lý”?
Nhưng cũng có thể khi viết câu này, Khổng Tử muốn truyền nhân đời sau phải ghi nhớ, rằng lừa cả thiên hạ rất dễ, lừa người Việt thì rất khó?
Cho dù có xảy ra chuyện “đạo tặc khứ, đạo lý lai” (Đạo tặc đi thì đạo lý đến) nghĩa là kẻ cướp, khi cưỡng chiếm được của thiên hạ rồi thì đương nhiên xem đó là chân lý, nhưng Khổng Tử cũng cẩn thận lưu ý rằng hai thứ ấy luôn luôn luân chuyển.
Chân lý đạt được bằng sức mạnh thì rồi sẽ bị sức mạnh hủy diệt, chẳng người trần mắt thịt nào có thể sánh ngang Đức Phật để mà tuyên bố “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn” (trên trời, dưới đất, ta là duy nhất).
Tranh hùng với thiên hạ, dường như Trung Quốc đang muốn chiếm lấy vị trí “duy ngã độc tôn”, dường như người ta đã thành công với việc tuyên truyền cho người Hoa rằng trong lịch sử, các quốc gia láng giềng đã “cướp” rất nhiều đất của người Hoa, bổn phận của thế hệ ngày nay là phải đòi lại?
Say mê trong hào quang của sự trỗi dậy, sao người ta lại có thể quên lời Khổng Tử, rằng “Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng vì rượu đã làm cho nhiều người gục ngã”?
Nếu bình tâm suy xét, hẳn người ta phải nêu câu hỏi vì sao người Hồi giáo Tân Cương phải rời bỏ quê hương chạy sang nước khác?
Vì sao Đức Đạt Lai Lạt Ma Ogyen Trinley Dorje đang sống lưu vong ở Ấn Độ từ chối tái sinh sau khi chết, kết thúc 400 năm lịch sử truyền thống Lạt Ma tái sinh của Phật giáo Tây Tạng?
Vì sao Vạn lý trường thành vốn là biên giới thời cổ ngày nay lại nằm sâu trong nội địa Trung Quốc?
Nhân loại đã qua thời kỳ dã man, sao ngày nay vẫn có kẻ muốn quay lại thời kỳ ăn lông ở lỗ, động một tí là đe dọa chiến tranh, động một tí là đem vũ khí hạt nhân ra đe dọa?
Dưới bầu trời, các quốc gia dân tộc dù bé đến đâu cũng đều có quyền sống bình đẳng với các quốc gia, dân tộc lớn. Đe dọa nhân loại bằng vũ khí hạt nhân đâu phải khẩu khí anh hùng.
Biển Đông không phải ao nhà của bất kỳ ai, Thái Bình Dương dẫu rộng lớn cũng không phải là của riêng của những nước lớn. Mưu đồ chia đôi thế giới chỉ là ảo vọng của những ai đó cứ cho rằng mình đã “hiểu đến tận cùng”.
Người Việt đã trải qua quá nhiều cuộc chiến chống xâm lược, đau thương và mất mát do các nước lớn gây ra đã khiến người Việt không quên lời trong Luận Ngữ “Vui đến tận cùng thì nét mặt hoảng hốt, buồn đến tận cùng thì thần thái tỉnh bơ”.
Những kẻ muốn làm người Việt “buồn” không thiếu, nhưng chẳng còn kẻ nào trên thế gian này có thể làm người Việt buồn hơn được nữa.
Một khi “thần thái tỉnh bơ” thì không cần nói nhiều, như nhà văn kiếm hiệp Kim Dung từng đề cập, một nhành liễu trong tay cao thủ cũng sắc nhọn hơn gươm giáo, cũng có thể khiến kẻ cuồng run sợ.
Những kẻ đang đe dọa nhân loại bằng vũ khí hạt nhân cần hiểu, rằng những đám mây bụi hạt nhân sẽ bay khắp thế giới, biển cả ô nhiễm hạt nhân thì thủy sản nhiễm xạ sẽ đặt trên bàn ăn của mọi nhà.
Còn một điều khác càng cần phải hiểu, rằng có nhiều thứ khi nổ, sức công phá còn mạnh gấp hàng trăm, hàng ngàn lần vũ khí hạt nhân, mạnh nhất trong đó là lòng căm hận bọn xâm lược, là tình yêu tổ quốc mà dân tộc Việt Nam không bao giờ thiếu.
Khuấy động biển Đông là con dao hai lưỡi, nếu biển Đông bão dậy liệu các con tàu nhỏ bé bất kể là tàu hàng hay tàu chiến có an toàn, những ai đó đang “vui đến tận cùng” vì chưa ai làm gì được họ ở Hoàng Sa, Trường Sa chẳng lẽ không hề biết lời răn của Khổng Tử?
Chỉ một vài lời khuyên, chỉ vài dòng mở đầu của Luận Ngữ đã thấy nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Không biết người dân những nơi có Viện Khổng Tử sẽ nghĩ gì, tin những điều Ngài nói và không tin những điều “người nhà” Ngài làm hay là tin tất cả?
Câu hỏi này có thể ai đó sẽ trả lời bằng lá phiếu trắng nhưng người Việt trả lời không chỉ bằng công hàm mà còn bằng hành động.
Chữ “Đạo” vừa dành cho bậc chính nhân quân tử, ấy là đạo lý, đạo nghĩa, đạo đức, cũng lại dành cho kẻ tiểu nhân, đó là đạo văn, đạo tặc, đạo lịch sử, đạo “đồng chí”…
Biết rõ kẻ xấu không phải là để tuyệt giao mà chỉ là để đề phòng, bởi lẽ trên đời âm dương hài hòa, xấu tốt lẫn lộn, chẳng bao giờ diệt hết được kẻ xấu, chỉ có thể cảnh giác để không bị đánh lén sau lưng.
(Theo Giáo dục VN) XUÂN DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét