LÃNH ĐẠO BỘ GTVT THANH MINH VỀ TRẠM THU PHÍ ĐẶT NHẦM CHỖ
Cập nhật lúc 13:49
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trả lời Tuổi Trẻ về
lý do và cơ sở pháp lý của các trạm thu phí đặt ở đường này thu phí cho đường
khác.
Ông Trường nói:
- Trước khi nghị định về quỹ bảo trì
đường bộ có hiệu lực (trước 1-1-2013) có hai hệ thống trạm thu phí là trạm
thu nộp ngân sách nhà nước và trạm BOT.
Trong giai đoạn này, trước yêu cầu bức
thiết giải quyết ùn tắc giao thông, theo đề nghị của các địa phương, Bộ GTVT
chấp thuận chủ trương đầu tư một số tuyến đường tránh, đồng thời nâng cấp
đường bộ để xử lý điểm đen về giao thông theo hình thức BOT.
Do lưu lượng xe ít, tính hấp dẫn của dự
án BOT không cao nên Nhà nước đồng ý sử dụng một số trạm thu phí đang thu nộp
ngân sách (nằm ngoài dự án BOT) để hoàn vốn cho các dự án.
Đó là các trạm như trạm Nam Hải Vân (Đà
Nẵng), Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), trạm thu phí quốc lộ 5, trạm thu
phí Tào Xuyên (hiện đặt ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa), trạm cầu Bến Thủy (Nghệ An)...
Từ ngày nghị định về quỹ bảo trì đường
bộ có hiệu lực, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng việc dừng, xóa các trạm thu phí cho
ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đối với các trạm BOT được
chuyển từ các trạm ngân sách nhà nước trước đây là do lịch sử để lại, không
thể xóa, dừng ngay được. Lý do, nhà đầu tư đã thế chấp quyền thu phí tại ngân
hàng để vay vốn xây dựng dự án.
Nhà nước cũng không thể cân đối ngay
được nguồn tiền đền bù, mua lại quyền thu phí để tiếp tục thực hiện các dự án
BOT đang dở dang...
Sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài
chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Thủ tướng
cân nhắc kỹ mới có ý kiến chỉ đạo giữ nguyên các trạm thu phí BOT.
* Giới vận tải
cho rằng sáu năm nay trạm thu phí Nam Hải Vân đặt không đúng tuyến đường BOT
để bắt chẹt xe qua hầm Hải Vân. Bộ GTVT giải thích về việc này như thế nào?
- Trước đây, trên địa bàn Đà Nẵng có
hai trạm thu phí là Liên Chiểu (thu hoàn vốn dự án nâng cấp quốc lộ 1 đoạn
Liên Chiểu - Hòa Cầm do UBND TP Đà Nẵng thực hiện theo hình thức vay vốn, thu
phí hoàn vốn) và trạm Nam Hải Vân (trạm thu ngân sách nhà nước).
Thực chất trạm Nam Hải Vân và Bắc Hải
Vân là cùng một trạm thu phí cho dự án hầm Hải Vân, mỗi trạm thu một chiều.
Khi mở rộng quốc lộ 1, kéo dài thêm
đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước, do sử dụng một trạm Liên Chiểu không thể hoàn vốn
cho dự án nên năm 2007 UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị sử dụng nguồn thu
từ trạm Nam Hải Vân và trạm Liên Chiểu để hoàn vốn.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư có
văn bản thống nhất với Bộ GTVT việc sử dụng trạm Nam Hải Vân và chuyển trạm
Liên Chiểu về Hòa Phước để hoàn vốn cho dự án. Dự kiến sẽ dừng trạm Nam Hải
Vân từ 1-1-2016, khi đó nhà đầu tư chỉ thu phí tại một trạm khác.
* Trong báo cáo
gửi Thủ tướng ngày 20-5-2015, Bộ Tài chính cho rằng do thiếu quy hoạch tổng
thể phát triển trạm thu phí các dự án BOT nên xảy ra hiện tượng nhiều trạm
thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách 70km... Bộ GTVT nói gì về việc này?
- Theo quy định của thông tư 159 thì
không yêu cầu phải có quy hoạch trạm thu phí mới được thành lập trạm thu phí.
Thông tư chỉ yêu cầu trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường, gắn với
dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Các dự án BOT cầu, đường do Bộ GTVT
thực hiện trong thời gian qua đều nằm trong quy hoạch mạng đường bộ được phê
duyệt, các dự án đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức triển
khai thực hiện.
Việc tiến hành nghiên cứu, lập quy
hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trong phạm vi toàn
quốc là hoàn toàn phù hợp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hiện nay Bộ GTVT
đã giao cho Viện Chiến lược và phát triển GTVT tổ chức khảo sát, đánh giá xây
dựng quy hoạch.
Việc này cần có thời gian khảo sát,
nghiên cứu, tính toán, tổ chức lấy ý kiến của các địa phương và bộ, ngành
liên quan. Sau khi hoàn thành, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định.
(Theo Tuổi trẻ) TUẤN PHÙNG
|
Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét