Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

PHÍ CAO, UY TÍN THẤP

Cập nhật lúc 08:34   

Các nhà mạng cũng như các ngân hàng đều muốn đẩy mạnh dịch vụ của mình, nhưng thay vì quan tâm đến chất lượng dịch vụ thì có vẻ họ chỉ tìm mọi cách để tận thu.

Mở một chiếc thẻ ngân hàng mất phí đã đành, khi không sử dụng muốn hủy chiếc thẻ đó cũng phải mất 100.000 đồng nếu muốn ngân hàng cấp cho tờ giấy chứng nhận đã hủy thẻ.
Rút tiền mất phí đã đành, gửi tiền vào chính tài khoản của mình cũng phải đóng phí... Cũng như cước 3G, gói thuê bao cho người dùng một dung lượng nhất định nhưng dung lượng đó được khấu trừ thế nào không ai biết. Chỉ biết rằng ngay từ ngày đầu thuê bao, chất lượng 3G đã kém. Còn không thuê bao, tiền bị trừ nhanh đến mức người ta phải khuyến cáo nhau “mở 3G sờ ngay vào túi”, ý nói hãy xem túi tiền có đủ để trả hay không. Sử dụng 3G nhiều năm nhưng hỏi 10 người thì cả 10 không biết cước 3G không thuê bao tính thế nào. Hỏi 20 người hay 30 người, câu trả lời cũng tương tự. Hỏi các chuyên gia mạng, cũng không biết. Chỉ biết khuyên nhau, nếu cần thiết thì phải xài thuê bao 3G, còn không nhất thiết, khỏi sử dụng kẻo vừa tốn tiền mà lại mang ấm ức vào thân.
Có lẽ không ở lĩnh vực nào, bức xúc của người dân liên quan đến sự thiếu minh bạch của phí nhiều như ở lĩnh vực viễn thông. Là lĩnh vực quan trọng hàng đầu và hiện chỉ có 3 nhà mạng, đều nằm trong nhóm doanh nghiệp lớn nhất của cả nước, nhưng cách kinh doanh của các nhà mạng này chưa tương xứng quy mô và tầm vóc của mình. Cách tính cước, phí của họ khiến khách hàng có cảm giác bị "bẫy", sơ hở là mất tiền. Ngược lại, vấn đề tin nhắn rác lừa đảo, gây thiệt hại và phiền hà cho khách hàng thì nhà mạng lại luôn tỏ ra bất lực, nhưng thực chất cũng chính là vì được hưởng lợi. Cũng như với ngân hàng, chúng ta đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng, giảm thanh toán bằng tiền mặt nhưng ma trận phí mà các nhà băng đưa ra khiến người dân chán nản và bức xúc.
Ai cũng hiểu, với bất kỳ doanh nghiệp nào, lợi nhuận luôn là mục tiêu cao nhất. Nhưng để trở thành một thương hiệu uy tín thì bên cạnh lợi nhuận phải là trách nhiệm với xã hội, phải xây dựng được văn hóa kinh doanh chứ không phải tận dụng lợi thế độc quyền cung cấp hay thống lĩnh thị trường để bắt chẹt người tiêu dùng.
(Theo Thanh niên) Nguyên Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét