Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

COI CHỪNG “RỪNG BẪY” PHÍ, PHẠT CỦA NGÂN HÀNG
Cập nhật lúc 07:42  

Có những loại phí ngân hàng chỉ khi bị tính, người vay mới ngã ngửa cả về mức phí và tên phí.

'Bẫy' phí phạt - ảnh 1 
Khách hàng dùng thẻ tín dụng dễ bị bủa vây bởi nhiều quy định từ phía ngân hang - Ảnh: Ngọc Thạch
Đóng phạt vượt quá số vay vẫn chưa hết nợ
Ông Lưu Quang Úy (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chán nản khi thông tin trường hợp của con ông là Anh Tuấn sử dụng thẻ tín dụng bị quá hạn thanh toán nên phải chịu mức lãi và phí phạt cao hơn cả số vay mà vẫn chưa trả được gốc. Vào cuối năm 2011, anh Tuấn sử dụng thẻ tín dụng Visa của ngân hàng (NH) với số tiền 100 triệu đồng, lãi suất thẻ 24%/năm. Từ đó đến nay, anh Tuấn đã đóng 104 triệu đồng nhưng NH thông báo đó chỉ là tiền lãi, tiền gốc vẫn còn nguyên 100 triệu đồng. Ông Úy cho biết: “Gia đình khẩn thiết xin NH khoanh lại khoản nợ, đừng phát sinh thêm lãi hay phạt gì để tôi còn trả. Nhưng NH không quan tâm nên tôi đang định bán căn nhà ở Gò Vấp để trả nợ, chứ lãi và phạt quá hạn nhiều như vậy lấy tiền đâu mà trả”.
Khi nhắc đến khoản vay của mình tại NH A, anh Minh (Q.1, TP.HCM) bức xúc kể lại: “Khi làm hợp đồng vay, tôi có nói dự kiến sẽ trả nợ trước kỳ hạn và được nhân viên cho biết lãi phạt trả nợ trước hạn khoảng 0,25%. Tôi đồng ý vay với điều kiện 3 tháng điều chỉnh lãi suất vay một lần và được chấp thuận. Vay một thời gian, lãi suất ở nhiều NH giảm xuống 7%/năm trong khi tôi thương lượng mãi mà NH vẫn duy trì mức 11 - 12%/năm. Tôi đành yêu cầu tất toán hợp đồng. Lúc này, nhân viên NH báo phạt trả trước hạn hơn tới 60 triệu đồng. Tôi không đồng ý vì khoản phạt lớn hơn gấp 3 lần so với mức lãi thông báo trước đó. Sau nhiều ngày, nhân viên NH này báo lại phạt 22 triệu đồng. Thôi thì trả phạt cho xong để vay chỗ mới lãi suất vay 7%/năm cố định 12 tháng, được trả trước hạn không bị phạt”.
Tương tự, trường hợp của anh Quang (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cách đây hơn 1 năm cũng choáng khi bị phạt trả nợ trước hạn. Đầu năm 2013 anh Quang vay tiền và được thông báo phạt 0,25% số tiền trả nợ trước hạn, tối thiểu là 200.000 đồng. Nhưng vay rồi, những tháng trả nợ sau đó anh mới tá hỏa với cách tính của NH. Nếu trả nợ trong thời hạn 1 năm, số tiền phạt = số tiền trả nợ trước hạn x mức phạt (0,25%) x kỳ điều chỉnh lãi suất. Nếu trả nợ sau 1 năm, số tiền phạt = số tiền trả nợ trước hạn x mức phạt (0,25%) x thời gian trả nợ trước hạn. Do anh Quang trả nợ trước hạn trong thời gian 1 năm, kỳ hạn điều chỉnh lãi suất là 3 tháng nên phải đóng 0,75% (0,25% x 3 tháng) số tiền trả nợ trước hạn, tính ra gấp 3 lần số phí mà anh Quang được thông báo khi vay. Ngán ngẩm vì cho rằng mình bị “bẫy” bởi sự mập mờ, anh Quang tất toán hợp đồng trước hạn.
Không sử dụng cũng phải đóng phí
Anh N., kế toán trưởng một công ty xây dựng tại TP.HCM, vì thấy quá ấm ức nên vừa đi khiếu nại một NH nước ngoài về phí phạt thanh toán quá hạn. Một năm trước, NH này đến công ty anh mời mở thẻ tín dụng cho các nhân viên công ty. Phòng tài vụ cung cấp thông tin cho NH, xong việc NH gọi điện lên nhận thẻ. Sau khi nhận xong, anh kích hoạt thẻ và lập tức NH báo phải đóng phí thường niên khoảng 150.000 đồng. Anh N. không quan tâm, vì nghĩ không sử dụng thẻ lần nào, nhưng cứ đến cuối tháng là NH thông báo số dư thanh toán tối thiểu và phí phạt thanh toán quá hạn là 50.000 đồng/lần. Lãi, phí phạt dồn lại cả năm, anh “mắc nợ” NH khoảng 2 triệu đồng. NH nhiều lần gọi điện, gửi thư, gặp nhắc nợ và thậm chí là dọa đưa ra tòa. Bực quá, anh N. làm đơn khiếu kiện NH, cuối cùng thỏa thuận trả một nửa số tiền. “Tôi chưa dùng thẻ lần nào sao phát sinh nợ tới 2 triệu?”, anh N. bức xúc: “Chẳng những thế, NH còn áp đặt phí “chồng” phí, khi vừa tính lãi suất quá hạn vừa “chèn” thêm phí phạt trễ hạn thanh toán”.
Phí “chồng” phí khá phổ biến ở nhiều NH. Nếu người đi vay điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, NH này sẽ phạt phí 200.000 đồng. Anh Lý, giám đốc điều hành một công ty sản xuất may mặc, cho biết nếu đến tháng anh trả nợ trễ số dư tối thiểu thì chấp nhận phạt lãi, nhưng NH luôn cộng vào phí phạt chậm trả trên thẻ tín dụng, khiến anh rất bức bối. “Đó là lý do tôi đã phải chạy đi đóng ngay thẻ tín dụng”, anh nói.
“Bắt chẹt” khách hàng
Ông Đinh Tuấn Minh, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng khó thể nói NH có lạm thu hay không. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các khoản phí đó có được định nghĩa rõ ràng không, có chính đáng không, khách hàng có hiểu được hay còn nhập nhằng. “Các NH đang có xu hướng tăng lãi từ dịch vụ. Nhưng nếu phí thu không chính đáng, không mang lại giá trị gia tăng cho người tiêu dùng thì dễ ngả sang “bắt chẹt” người tiêu dùng”, ông nói.
Một chuyên gia NH nhận xét, quy định phạt trả nợ trước hạn được pháp luật cho phép nhằm đảm bảo hợp đồng thực hiện và trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc áp dụng phí phạt mà không xem xét nguyên nhân dẫn đến vi phạm hợp đồng, hoặc NH lợi dụng vị thế “kẻ mạnh” điều chỉnh lãi suất cho vay cao hơn thị trường, dẫn đến người vay chỉ có 2 lựa chọn là tiếp tục hợp đồng với lãi suất vay cao, hoặc vi phạm và chấp nhận phạt...
Nhiều loại phí vô lý
Có thể nói, hiện vào NH nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền... sử dụng dịch vụ nào hầu như cũng phải trả phí. Các NH đăng tải biểu phí dài sọc với cả chục loại phí, trong đó có nhiều loại phí vô lý và đắt đỏ đến mức làm không ít người tiêu dùng "dị ứng”. Thí dụ, thẻ đa năng của NH Đông Á “cõng” tới 13 loại phí, như phí hỗ trợ xử lý chuyển khoản nhầm 22.000 đồng/lần xử lý nhưng không thành công và 110.000 đồng/lần nếu xử lý thành công; phí khiếu nại (không đúng) trước 45 ngày kể từ ngày giao dịch là 45.000 đồng, sau 45 ngày là 110.000 đồng/lần; phí xác nhận số dư tài khoản thẻ là 33.000 đồng/tờ đầu tiên, tờ tiếp theo là 3.300 đồng (bằng tiếng Anh là 55.000 đồng/tờ đầu tiên, tờ tiếp theo là 5.500 đồng). Với thẻ Visa DongA Bank, phí khiếu nại là 200.000 đồng/lần...
(Theo Thanh niên) Thanh Xuân - Hồng Sương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét