Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Xăng dầu giảm mạnh: Petrolimex hưởng lợi nhất

Cập nhật lúc 07:44                

 (Doanh nghiệp) - Từ ba yếu tố tham nhũng, quá tải và thông đồng giữ giá làm giá xăng dầu giảm nhưng chi phí sản xuất không giảm. Nền kinh tế thiệt.

Theo tính toán, hiện tại, giá dầu đã giảm khoảng 30 USD/thùng và con số này còn có thể thay đổi. Mỗi thùng dầu giảm 1 USD thì ngân sách mất 1.000 tỷ đồng và như thế dự tính nếu năm 2015, con số trên dưới 80 USD/thùng thì ngân sách mất 20.000 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn phân tích, chuyện giá xăng dầu giảm ngân sách hụt thu là đương nhiên nhưng nền kinh tế lợi hay hại thì phải khẳng định là lợi. Không chỉ với nền kinh tế Việt Nam mà với nền kinh tế thế giới, vì giá xăng dầu giảm chi phí toàn cầu cũng sẽ giảm theo hướng tích cực với nền kinh tế thế giới.
Theo tính toán trên thế giới, khi giá xăng dầu giảm xuống còn 80 đô/thùng nó đã được so sánh tương đương với một gói kích cầu khoảng 2.000 tỷ đô.


Ảnh minh họa

Tức là cái lợi người ta tính được là lợi ích cho toàn nền kinh tế, từ giá giảm, chi phí vận tải giảm, chi phí sản xuất cũng giảm, người tiêu dùng được mua hàng giá rẻ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa... như vậy xét về mặt lý thuyết có thể ngân sách bị hụt thu từ khoản xăng dầu nhưng đổi lại toàn nền kinh tế lại được kích cầu, sản xuất tốt hơn, tạo gia nhiều giá trị gia tăng hơn. Như vậy, cái lợi cho nền kinh tế là lớn hơn, tốt hơn rất nhiều.
Đó là câu chuyện thế giới còn với Việt Nam, giảm giá xăng dầu nền kinh tế có lợi hay hại, nếu lợi thì lợi ở đâu?
Trước tiên phải thừa nhận, giá xăng dầu tại Việt Nam thời gian qua cũng liên tiếp giảm, giảm tới 10 lần, tổng cộng giảm hơn 5.390 đồng/lít, tương đương hơn 20%. Đầu tiên theo ông Sơn là có lợi, người mua xăng có được lợi do mua xăng giá rẻ hơn trước.
Nhưng ở Việt Nam, chi phí xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế (chiếm tới 40% - 50% chi phí sản xuất, 10-15% chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa).
Nhưng thực tế thời gian qua do cước phí vận tải không giảm dẫn tới chi phí vận tải không giảm. Việc giá cước vận tải không giảm gây ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng tiêu dùng khác bởi trong cơ cấu giá bán các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày đều được các nhà sản xuất, nhà phân phối hạch toán giá cước vận chuyển vào chi phí bán hàng.
Do đó việc giảm giá xăng dầu nhưng chi phí vận tải không giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của mỗi doanh nghiệp. Tức là, ngay cả người tiêu dùng vẫn phải mua hàng giá cao, gánh thêm phần chi phí trả cho cước vận chuyển.
Chính những bất cập đó khiến người tiêu dùng chưa được hưởng lợi từ việc giảm giá xăng dầu.
Nguyên nhân là do nền kinh tế Việt Nam không theo cơ chế thị trường, tính cạnh tranh không cao nên mới có tình trạng độc quyền, thao túng.
Vậy thì ai được lợi và lợi thế nào?
Trước hết phải lý giải vì sao giá xăng dầu thế giới giảm sâu nhưng tại Việt Nam giá vẫn cương cao. Thứ nhất, do nền kinh tế không theo cơ chế thị trường nên bản thân thị trường vận tải không có tính cạnh tranh nên có thể có yếu tố cấu kết, bắt tay để giữ giá trục lợi.
Thế giới khi giảm giá xăng dầu lập tức các chi phí khác sẽ giảm ngay. Điều này cũng có thể xảy ra ở Việt Nam nếu có những yếu tố vận tải mới xâm nhập phá vỡ thế độc quyền. Tuy nhiên, chờ đợi điều này là rất khó và cần thời gian rất dài.
Thứ hai, là tình trạng xe quá tải, phá hỏng đường xá. Chiến dịch siết tải trọng vừa qua cũng là yếu tố đẩy chi phí vận tải tăng lên.
Thứ ba là tham nhũng ở giao thông. Chủ xe vận chuyển nhiều, lót tay nhiều thì buộc họ phải tính vào chi phí vận chuyển hàng hóa.
Nên từ ba yếu tố tham nhũng, quá tải và thâu tóm, thông đồng giữ giá chính là lý do khiến chi phí vận tải không giảm được. 
Như vậy, trước mắt có thể thấy người tiêu dùng có thể được lợi một chút, được mua xăng giá rẻ hơn, túi tiền tiết kiệm hơn. Nền kinh tế có thể dành được một phần chi phí đưa vào tiêu dùng chứ không phải để mua xăng. Ở góc độ này có thể nói người tiêu dùng đang được lợi.
Nhưng nhìn rộng ra, giá xăng dầu giảm nhưng chi phí sản xuất không giảm, hàng hóa không giảm tức là sản xuất kém, không có khả năng kích thích nền kinh tế phát triển, chưa tạo ra sức lan tỏa với nền kinh tế. Nghĩa là nền kinh tế đang gặp phải bất lợi.
Cũng giống như đất đai, bất động sản, do quản lý kém nên chi phí đất đai bị đẩy giá lên mức cao quá mức, phí bôi trơn nhiều tất cả đều được tính vào giá nhà đó là lý do vì sao người dân nghèo mà vẫn phải chịu nhà giá cao.
Xăng dầu cũng vậy, quản lý kém thì các yếu tố đẩy giá xăng dầu lên cao hơn sức ép buộc giá xăng dầu phải giảm xuống. Tất cả những yếu tố đó nó sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Tức là cho tới thời điểm hiện tại thì việc giảm giá xăng dầu chỉ mới dừng lại ở việc có lợi cho người mua xăng trực tiếp và lợi nhiều nhất là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cụ thể là Petrolimex.
Vậy làm sao để người tiêu dùng và nền kinh tế có được lợi trực tiếp từ việc giảm giá xăng dầu?
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng, để nền kinh tế và người tiêu dùng có lợi thì kinh doanh xăng dầu phải theo hướng cạnh tranh. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay điều này gần như là không tưởng.
Theo vị chuyên gia này, hiện nay việc kinh doanh xăng dầu Petrolimex đang nắm quyền kiểm soát tới 70-80% thị trường nên việc áp giá thế nào, tăng giảm ra sao họ hoàn toàn nắm quyền chủ động, chi phối.
(Theo Đất Việt) Lam Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét