Viện phí lại tăng!
Cập
nhật lúc 09:35
Bộ Y tế đang phân loại các phẫu thuật, thủ thuật để áp dụng viện phí mới.
Theo đó, tiền phụ cấp trực được tính vào giá ngày giường; phí chi phụ cấp
phẫu thuật, thủ thuật tính vào giá từng loại dịch vụ
Bộ Y
tế đang hoàn tất việc xây dựng thông tư quy định phân loại phẫu thuật, thủ
thuật - trong đó tính thêm giá phụ cấp trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật
- do trong lần điều chỉnh vào tháng 8-2012 mới tính 3/7 yếu tố cấu thành viện
phí.
Bệnh nhân không có bảo hiểm bị thiệt
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ
Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế, tại thông tư liên tịch về một số chế độ phụ cấp
đặc thù với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công
lập ban hành tháng 2-2014, viện phí mới sẽ bao gồm phụ cấp trực và phụ cấp
phẫu thuật, thủ thuật. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Y tế chỉ sắp hoàn tất việc
phân loại các phẫu thuật, thủ thuật để áp dụng giá mới.
Giá
các dịch vụ phẫu thuật sẽ tăng theo chủ trương của Bộ Y tế
Với việc điều chỉnh này, tiền phụ cấp
trực được tính vào giá ngày giường; phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật
tính vào giá từng phẫu thuật, thủ thuật. Theo đó, giá các ca phẫu thuật đặc
biệt (ghép tạng, mổ tim, u não…) sẽ tăng tối đa 1.520.000 đồng/ca; phẫu thuật
loại I tăng tối đa 660.000 đồng/ca; phẫu thuật loại II là 340.000 đồng/ca,
loại I là 190.000 đồng/ca. Cùng đó, giá các thủ thuật cũng tăng tối đa
300.000 đồng/ca với thủ thuật loại đặc biệt, 63.000 đồng với thủ thuật loại
II và 28.500 đồng với thủ thuật loại III.
Theo quy định này, giá ngày giường cũng
sẽ tăng 10.000-20.000 đồng, tùy hạng bệnh viện. “Với bệnh viện hạng 1, mức
hiện tại là 55.000 đồng, theo quy định mới sẽ tính thêm 20.000 đồng. Cơ quan
bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm thanh toán cho bệnh nhân bảo hiểm hoặc người
bệnh sẽ phải tự chi trả nếu không có BHYT” - ông Liên cho biết.
Theo ông Liên, trong năm 2014, 25 tỉnh
và thành phố tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng cũng không vượt quá khung
do liên bộ Y tế - Tài chính quy định. Chẳng hạn, Quảng Trị bổ sung 55 dịch
vụ, điều chỉnh 2 dịch vụ; Cao Bằng bổ sung 24 dịch vụ tuyến xã, 7 dịch vụ
theo Thông tư 04 về điều chỉnh một số dịch vụ khám chữa bệnh của Bộ Y tế ban hành
năm 2012; Bình Định tăng giá 827 dịch vụ trong 2.238 dịch vụ đang thực hiện
và bổ sung giá 33 dịch vụ; Đồng Tháp bổ sung giá 112 dịch vụ và tăng giá 5
dịch vụ; Tiền Giang bổ sung giá 177 dịch vụ…
“Sau 2 năm điều chỉnh, nhiều địa phương
vẫn đang duy trì viện phí thấp hơn nhiều so với mức tối đa, như: Quảng Nam,
Quảng Ngãi, Hậu Giang, Bình Thuận, giá dịch vụ trung bình chiếm hơn 60% khung
viện phí” - ông Liên dẫn chứng.
Bộ Y tế cho rằng việc điều chỉnh viện phí
như các địa phương đề xuất không ảnh hưởng tới người có thẻ BHYT (chiếm 70%
dân số). Người nghèo, thậm chí người dân nói chung, sẽ thuận lợi hơn khi khám
chữa bệnh bởi nhiều dịch vụ được BHYT chi trả.
Bệnh viện than khó
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám
đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội), BV đang phân loại và xây dựng cơ cấu
giá dịch vụ y tế vào các phẫu thuật, thủ thuật. Vì là BV ngoại khoa tuyến
cuối nên hầu hết dịch vụ ở đây thuộc nhóm phẫu thuật, thủ thuật loại 1 và đặc
biệt. Trong khi đó, theo lãnh đạo một số BV khác, việc phân loại phẫu thuật,
thủ thuật và phụ cấp trực vào giá dịch vụ y tế rất phức tạp vì có nhiều “hạng
mục” cấu thành.
Một chuyên gia y tế cho biết khi xây
dựng cơ cấu giá, các BV mong muốn chi phí bao nhiêu sẽ thu bấy nhiêu nhưng
vẫn chưa thực hiện được. “Chẳng hạn, đặt nội khí quản cho bệnh nhân thì đưa
vào cơ cấu giá nhưng rút nội khí quản, nếu cũng tính “công” thì không thỏa
đáng. Hay cơ cấu giá với dịch vụ xét nghiệm, nếu “công” lấy máu cũng tính riêng
là chưa phù hợp bởi quy trình xét nghiệm đã bao gồm cả việc lấy máu” - chuyên
gia này phân tích.
Lãnh đạo một số BV cho rằng Bộ Y tế cần
xây dựng dịch vụ theo gói để các BV tự quản lý theo chuyên môn thay cho những
mệnh lệnh hành chính phân tuyến như hiện nay. Như vậy, các BV sẽ cân đối thu
chi theo hướng “lời ăn, lỗ chịu”, tránh tình trạng bệnh nhân muốn chuyển
tuyến đôi khi phải “chạy” mới được.
TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế
hoạch tổng hợp BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết theo quy định, bệnh nhân nằm
ghép sẽ chỉ tính một phần viện phí, trong khi các BV tuyến cuối không tránh
khỏi nằm ghép. Tuy nhiên, các chi phí băng gạc, điện nước, găng tay… chỉ tính
cho 1 người/giường bệnh. Nếu các chi phí bị đẩy lên do bệnh nhân phải nằm
ghép mà cơ quan bảo hiểm không đồng ý thanh toán, BV sẽ lỗ.
“BV không được phép từ chối tiếp nhận
bệnh nhân vì quá tải nhưng nếu dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu, chắc chắn
chất lượng khám chữa bệnh sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, tính theo tiền ngày
giường, bệnh nhân có vết thương sẽ được chỉ định thay băng dài 30 cm. Nhưng
giả sử giường đó có 2 bệnh nhân, liệu bác sĩ có dám cắt đôi miếng băng để
dùng cho 2 người hay không?”- bác sĩ Hùng nêu thực tế.
Sau năm
2018, sẽ tính đủ các chi phí
Theo lộ
trình điều chỉnh viện phí quy định tại Nghị định số 85/2012 của Chính phủ,
đến năm 2015, các chi phí sẽ được tính thêm như tiền lương (theo mức 20%-50%
quỹ tiền lương cơ bản đối với từng tuyến BV); khấu hao trang thiết bị trực
tiếp thực hiện dịch vụ; chi phí quản lý, vận hành BV. Đến năm 2016-2017, viện
phí sẽ bao gồm 100% quỹ tiền lương cơ bản đối với BV tuyến tỉnh, tuyến trung
ương và BV quận thuộc Hà Nội, TP HCM, 50% quỹ tiền lương cơ bản đối với BV
tuyến huyện; chi phí khấu hao trang thiết bị trực tiếp thực hiện dịch
vụ; chi phí quản lý, vận hành BV. Sau năm 2018, viện phí sẽ tính đủ các chi
phí.
(Theo Người LĐ) Ngọc Dung
|
Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét