Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Ơn giời, “hội”… xong rồi!

Cập nhật lúc 08:20                   

Trận bóng đá tại đại hội diễn ra trong cảnh trống vắng khán giả.

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 vừa kết thúc sau lễ bế mạc diễn ra đêm qua, 16.12. Điều rõ rệt nhất là ngoài những thành tích ghi trong những bản tổng kết, dường như đại hội này chẳng để lại tiếng vang gì. Đã đến lúc ngành TDTT phải xem xét lại cung cách tổ chức một sự kiện thể thao kéo dài tới 2 năm, tốn hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại nhuốm màu những câu chuyện bi hài. Thậm chí, ngay sau lễ bế mạc, lại có khán giả thở phào: “Ơn giời, hội… xong rồi”.

"May áo” ngàn tỉ để… đi đêm
Đúng như dự đoán trước khi đưa nhà thi đấu đa năng tỉnh Nam Định vào sử dụng, đó là việc có quá ít khán giả tới đây theo dõi các môn thi của đại hội. Nhà thi đấu này được xây dựng với tổng vốn 854 tỉ đồng, quy mô, hiện đại với 4.000 chỗ ngồi. Thế nhưng nhiều người xót xa chứng kiến cảnh cả khán đài mênh mông chỉ có… 1 người ngồi, lác đác số ghế còn lại chỉ chưa đến mấy chục người, đa số là VĐV các môn khác đến cổ động cho “quân” nhà. Có những buổi thi đấu, lực lượng công an, bảo vệ còn đông hơn cả khán giả.
Ở cung đa năng thì lạnh vì không có khán giả, ở bể bơi mới xây, tốn 150 tỉ đồng thì VĐV thêm một cái lạnh khác là lạnh… gió mùa. Mặc dù bể bơi nước ấm (25-27 độ C) nhưng nhiều VĐV lại đánh đàn răng và thầm “khen” sáng kiến của ai đó tổ chức thi bơi đúng vào mùa đông miền Bắc khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 13-14 độ C. Thế nên cảnh VĐV “ôm chăn” khởi động là thường xuyên. VĐV Ánh Viên bơi xong lên nhận huy chương với cái áo khoác dành cho người đi… chống tuyết.
Cái cảm giác dọn ra cả chục mâm cỗ mà chỉ vài người gắp đũa rất khó chịu. Ấy là cảm giác chung của đại hội lần này. Nhà thi đấu Thái Bình mới khánh thành với số vốn 650 tỉ đồng ngay ngày thi đấu đầu tiên đã… dột, khiến VĐV trượt chân chấn thương và nhà thầu bỏ thêm 300 triệu để chống dột.
Và cũng thường xuyên trong tình trạng vắng khán giả, trừ một số môn có đội nhà Thái Bình thi đấu.
Bóng đá - đá cho ai?
Thường môn bóng đá là môn thể thao vua, nhưng ở Đại hội TDTT toàn quốc thì bóng đá “chẳng là cái gì”. Lý luận rất đơn giản, có HCV bóng đá thì cũng chỉ tính… 1 chiếc, tức là bằng 1 HCV vật, võ trong bảng tổng sắp nên chẳng ai tội gì mà phải đầu tư. Một đội bóng đá đi thi đấu với mấy chục con người, ăn dầm ở dề tại Hà Nam cũng tốn mấy trăm triệu. Bởi thế 65 tỉnh, thành dự đại hội mà chỉ có đúng… 5 đội tham gia đăng ký thi đấu là Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Bóng đá nữ cũng chỉ có 5 đội.
Nhưng điều khó hiểu là những nhà tổ chức không cần khán giả hay cố tình đá “chui” hay sao mà tổ chức môn bóng đá trùng với lịch thi đấu AFF Cup. Thế mới có nghịch lý là trong khi vé xem đá bóng ở sân Mỹ Đình mấy triệu/cặp thì bóng đá ở đại hội có mời miễn phí cũng rất ít người nhòm ngó. Nhìn các cầu thủ thi đấu mà khán đài cứ hun hút gió, nhiều người chỉ biết lắc đầu.
Nhưng môn bóng đá đại hội TDTT còn có chuyện bi hài đến khó tin. Do thể thức thi đấu vòng tròn một lượt chọn hai đội nhất, nhì đá chung kết. Kết thúc một lượt vòng tròn, đội Thừa Thiên - Huế đứng thứ nhì - sau Nghệ An - với 5 điểm. Ở lượt trận cuối diễn ra ngày 12.12, Thừa Thiên - Huế không thi đấu mà ngồi chờ kết quả của các trận còn lại xem mình có giữ được vị trí thứ 2 để vào đá trận chung kết với Nghệ An (đội đã chắc chắn có mặt ở trận chung kết) hay không.
Bi hài là ở chỗ, dù vẫn có “cửa” nhưng chính Thừa Thiên - Huế lại không tin là mình có vé với lý luận là “kiểu gì thì SLNA sẽ thả cho Đà Nẵng để hai đội dắt tay nhau vào chung kết”. Bản thân Nghệ An cũng bắn tiếng là dùng đội hình dự bị để “giữ sức cho trận chung kết”. Bởi thế Thừa Thiên - Huế điềm nhiên… đi về. Song, bất ngờ đã xảy ra, Nghệ An dù đá đội hình 2 vẫn giành chiến thắng trước Đà Nẵng, còn Hà Nội chỉ thắng Nam Định 1-0. Kết quả này đã giúp Thừa Thiên - Huế “bỗng nhiên” giành vé vào chơi trận cuối cùng của giải. Kết quả là họ lại phải vội vàng mua vé máy bay trở lại Hà Nam để đá chung kết và để thua 0-4.
Tương tự, là chuyện bóng đá nữ. Giải VĐQG kết thúc chưa lâu ở Nha Trang với ngôi vô địch thuộc về Hà Nội 1. Thế nhưng cũng chừng ấy đội, cũng gương mặt ấy, chưa đầy 2 tháng sau gom lại đá ở Hà Nam tranh huy chương đại hội và chủ nhà Hà Nam vô địch.
Khóc-cười An Giang
Hôm qua, cờ đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc 2018 được trao cho An Giang. Theo đề án mà An Giang trình Chính phủ để đăng cai đại hội thì số tiền ngân sách phải rót xuống lên tới 3.500 tỉ đồng - chủ yếu là nâng cấp xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, sau khi đồng ý để An Giang đăng cai, Chính phủ cũng lưu ý nguồn tiền ngân sách sẽ do địa phương tự cân đối chứ không lấy từ ngân sách chung. Theo ước tính, chỉ riêng việc xây mới sân An Giang cũng ngốn khoảng 1.000 tỉ đồng.
Một chi tiết lưu ý rằng, dù nộp đơn đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc, nhưng chính An Giang đang rất kẹt kinh phí. Đội bóng đá An Giang buộc phải giải thể vì không có tiền. Thậm chí, An Giang phải móc tiền ngân sách chi cho hoạt động năm 2014 ra để xử lý, đền bù cho việc CLB An Giang rút lui. Đáng lẽ, địa phương chuẩn bị đăng cai phải “vui tươi phấn khởi” thì đằng này, chính những VĐV An Giang khi ra Nam Định dự đại hội cũng than thở rằng, mấy tháng nay không có lương. Trong đó, mức hứa thưởng 5 triệu đồng/HCV cũng chỉ là… ghi nhớ như thế.
Đại hội phải chăng là… hội đại
Điều dễ thấy nhất ở Đại hội TDTT là bệnh thành tích. Người ta tìm mọi kế để lấy thành tích kể cả “lậu” VĐV. Trước ngày thi môn bóng bàn, BTC đã phải loại một loạt các VĐV Hưng Yên, vì địa phương này tính chuyện “mượn” VĐV về thi đấu nhằm lấy thành tích.
Cũng vì thành tích mà Ánh Viên - kình ngư số 1 Việt Nam - đang tập huấn tại Mỹ cũng đã phải trở về thi đấu. Kết quả là Viên lập kỳ tích vô tiền khoáng hậu là đoạt tới… 18 HCV (nhiều hơn… 50 tỉnh, thành cả nước). 


Hình ảnh xấu tại môn vật: HLV đá trọng tài tới mức… rơi giày. 

Hay câu chuyện về VĐV marathon Phạm Thị Bình của Quảng Ngãi, trước khi thi đấu, Bình bị các bác sĩ cảnh báo là nếu cứ cố thi đấu, cô sẽ bị đột tử vì bệnh tim bẩm sinh. Nhưng Bình vẫn cố thi đấu, đoạt HCV nhưng chỉ tội BTC phải huy động xe cứu thương chạy song song với Bình suốt mấy chục kilômét để… đề phòng.
Một vết nhơ khác ở môn vật khi liên tiếp dính scandal: Từ VĐV đánh trọng tài cho đến HLV cũng “tay bo” với những người cầm cân nảy mực…
Và cuối cùng, Đại hội TDTT kết thúc mà người ta phải công bố hai bảng tổng sắp huy chương. Một bảng tổng sắp thực tế và một bảng tổng sắp theo… điều lệ. Không hiểu ngành TDTT nghĩ gì khi tiến hành “quy đổi”: HCV tại ASIAD 2014 được cộng 3 HCV đại hội, HCB ASIAD 2014 - cộng 2 HCV; HCĐ ASIAD 2014 hoặc HCV SEA Games 2013 - cộng 1 HCV… để rồi “lòi” ra cái bảng tổng sắp nữa mà mục đích, có lẽ là làm đẹp cho những bảng tổng kết cuối năm.
(Theo Lao động) ĐẮC LÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét