Trung Quốc trúng thầu, chưa chắc rẻ
Cập nhật lúc 14:21
TT
- Nhiều dự án doanh nghiệp VN hoàn toàn có thể làm được, nhưng chủ đầu tư vẫn
chia nhỏ rồi đưa ra đấu thầu quốc tế. Một số doanh nghiệp Trung Quốc trúng
thầu nhưng sau đó lại xin tăng mức đầu tư, bù giá...
Công nhân Trung
Quốc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh - Ảnh: C.V.K.
Theo TS Nguyễn Chỉ Sáng - viện trưởng
Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime), chỉ xét riêng năm ngành quan trọng cần thiết
bị đồng bộ là nhiệt điện, thủy điện, ximăng, bôxit... từ năm 2003-2013 VN có
72 dự án làm nhà máy thì có tới 45 dự án, tức quá nửa, nhà thầu ngoại trúng thầu
EPC (tức tổng thầu, thực hiện từ việc tư vấn thiết kế, mua sắm thiết bị và
xây lắp).
Cửa hẹp cho doanh nghiệp trong nước
Đó là chưa kể hàng loạt dự án khác ở
các lĩnh vực như giao thông, xây dựng... các nhà thầu ngoại, trong đó chủ yếu
là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp... trúng thầu. Tuy nhiên, chỉ xét
trên một lĩnh vực là làm nhà máy nhiệt điện, TS Nguyễn Chỉ Sáng cho biết nếu VN
được tham gia thì các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể cung cấp được 18 tỉ
USD thiết bị trong tổng số 50 tỉ USD tiền thiết bị cho nhà máy nhiệt điện VN
phải xây dựng từ năm 2012-2025.
Chính phủ đã có các chủ trương “chỉ
định thầu có điều kiện và có thời hạn” để nhà thầu trong nước đảm nhận chức
năng tổng thầu, dần cạnh tranh được với nhà thầu ngoại... nhưng đã không được
thực hiện nghiêm túc. Chỉ đích danh Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1, theo
quyết định của Thủ tướng, các doanh nghiệp trong nước sẽ được tham gia để đảm
nhiệm 40-60% giá trị một số gói thầu, nhưng ông Sáng cho biết đã 16 tháng kể
từ ngày quyết định của Thủ tướng ban hành, đến nay các doanh nghiệp cơ khí
trong nước vẫn chưa... tiếp xúc được chủ đầu tư để bàn triển khai quyết định.
Nhiều dự án vay vốn nước ngoài, luật
bất thành văn là vay nước nào, doanh nghiệp nước đó trúng thầu. Theo ông
Sáng, nước ngoài họ cũng có ý khi đưa “đề bài” chào thầu để doanh nghiệp của
họ trúng. Nhưng VN hoàn toàn có thể yêu cầu trong trường hợp đó vẫn phải đạt
tỉ lệ nội địa hóa nào đó vì một số nước như Hàn Quốc từng yêu cầu như vậy. Tuy
nhiên, đáng buồn, ông Sáng nêu có dự án doanh nghiệp trong nước được giao làm
tổng thầu EPC nhưng lại chia nhỏ các gói thầu rồi... đấu thầu quốc tế. Lý do,
ngoài tâm lý ngại rủi ro, “sính ngoại” còn có yếu tố vụ lợi khi ký kết mua
bán được với đối tác nước ngoài. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Sáng ngần ngại
nhưng công nhận không loại trừ có yếu tố “hoa hồng”.
Từ thua tới... thua
Ông Nguyễn Chỉ Sáng cũng nhắc đến một
trong những “nguyên nhân thất bại” của ngành công nghiệp cơ khí VN còn do
Luật đấu thầu chú trọng giá rẻ, không chú ý đủ đến nguồn gốc xuất xứ, không
ưu tiên nội địa hóa. Vì vậy hầu hết dự án lớn đều rơi vào tay các nhà thầu Trung
Quốc. Mà “khi nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu EPC, các nhà chế tạo VN hầu
như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ”...
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, rất nhiều dự án nhà thầu
Trung Quốc trúng thầu EPC, sau đó họ đã đưa ra nhiều lý do đòi tăng tổng mức
đầu tư, đề nghị bù trượt giá (dù nguyên tắc hợp đồng EPC là nhà thầu chịu
toàn bộ trách nhiệm, chủ đầu tư sẽ được nhận chìa khóa trao tay). Như dự án
Nhiệt điện Hải Phòng 1 (tại Thủy Nguyên, Hải Phòng), nhà thầu Trung Quốc là
Tập đoàn điện khí Đông Phương trúng thầu. Thời điểm cuối năm 2008 đầu năm
2009, Tập đoàn điện khí Đông Phương đã liên tiếp phát văn bản kêu do biến
động đồng nhân dân tệ đang từ 8,2 tệ/USD xuống 6,8 tệ/USD nên họ thiệt hại
gần 100 triệu USD. Họ đề nghị VN bù giá, nếu không họ sẽ không thi công nữa
vì hết tiền.
Ngoài ra, doanh nghiệp VN còn gặp rất
nhiều khó khăn khi làm thầu phụ cho nhà thầu Trung Quốc. Tổng giám đốc Công
ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng Trần Hữu Nam nêu tại dự án Nhiệt điện Hải
Phòng, nhà thầu Trung Quốc có gọi các nhà thầu phụ VN đến thương thảo. Nhưng khi
các nhà thầu VN đưa ra giá, phía Trung Quốc đều nói không phù hợp với khả
năng tài chính của họ. Một số doanh nghiệp VN cố chấp nhận giá thấp nhưng sau
một thời gian làm việc với nhà thầu Trung Quốc đều phải... bỏ dở giữa chừng.
Lý do: “Có doanh nghiêp không thể theo kịp tiến độ được phía Trung Quốc giao,
có người bị nhà thầu Trung Quốc nợ tiền nhiều quá, cuối cùng phải ra đi”.
Như vậy chỉ tính riêng hai nhà máy
nhiệt điện Hải Phòng 1 và Quảng Ninh 1 với tổng mức đầu tư trên 2 tỉ USD,
doanh nghiệp VN gần như không nhận được đòn bẩy kinh tế lớn nào.
Không thể để mất thị trường vào tay nhà
thầu ngoại
Theo ông Lê Văn Tuấn - tổng giám đốc
Tổng công ty Lắp máy VN (Lilama), nói doanh nghiệp VN năng lực còn yếu không
sai vì không thể tự nhiên doanh nghiệp mạnh về thiết kế, mạnh về tài chính và
khả năng tiếp thị dự án. Khi Lilama mới được giao làm tổng thầu Nhiệt điện Uông
Bí mở rộng, nhà máy đúng là có trục trặc, nhưng sau đó đã khắc phục và đang
hoạt động tốt. Sau khi được tin tưởng giao làm các nhà máy nhiệt điện khí chu
trình hỗn hợp, đến nay Lilama đã đủ tự tin để tham gia đấu thầu quốc tế. Vì
vậy, ông Tuấn đề nghị cần tiếp tục tin tưởng giao việc cho doanh nghiệp trong
nước, hay bản thân Lilama chỉ cần được giao làm 3-4 nhà máy nhiệt điện than
nữa sẽ đủ năng lực làm tổng thầu các dự án nhiệt điện than.
TS Nguyễn Chỉ Sáng cũng cho rằng từ năm
2012-2025, tính cả các ngành công nghiệp khai khoáng, hóa chất, thiết bị khai
thác và chế biến dầu khí... thì giá trị thiết bị cơ khí cần đầu tư lên đến
150 tỉ USD. Nếu chỉ cần nội địa hóa được 30-40% , VN sẽ có thêm lượng công ăn
việc làm rất lớn, góp phần hạn chế nhập siêu. Ông Sáng cho rằng nếu không hỗ
trợ doanh nghiệp trong nước, cứ để doanh nghiệp nước ngoài vào, VN sẽ thiệt
về lâu dài, rất có thể sẽ mất thị trường, đồng nghĩa là mất công ăn việc làm,
là tụt hậu ở lĩnh vực cơ khí.
|
Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét