Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

 Nỗ lực vì sự phát triển quyền con người 
Cập nhật lúc 15:01

Phải tới cuối giờ làm việc chiều nay (7-2, giờ Việt Nam), các quốc gia tham gia vào phiên họp thứ 18 của Nhóm làm việc về rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc mới chính thức biểu quyết thông qua báo cáo kiểm điểm định kỳ chu kỳ 2 về vấn đề thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Thế nhưng, không khí cởi mở, thẳng thắn trong trao đổi đối thoại về vấn đề kể trên với 107 quốc gia cách đây 2 hôm tại Geneva (Thụy Sĩ) đã cho thấy một thực tế: Cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người và đặc biệt đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhà nước ta suốt 4 năm qua kể từ phiên báo cáo định kỳ UPR lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2009.
Những nỗ lực của Việt Nam trong 4 năm qua đã được trình bày hết sức cụ thể, sinh động với nhiều dẫn chứng rõ ràng đã cho thấy: Dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế- xã hội nhưng Việt Nam vẫn luôn nỗ lực ở mức cao nhất trong việc đảm bảo quyền con người; không chỉ trong khuôn khổ của việc hoàn thiện chính sách pháp luật; mà thể hiện ở ngay cả những đường hướng chính sách phát triển bền vững về kinh tế- xã hội, an ninh trật tự và những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tạo thêm ngày càng nhiều việc làm mới, giảm tỉ lệ người thất nghiệp… Phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc tại phiên họp thứ 18 nêu rõ, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, tích cực 96 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận.

Nói về quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật, đầu tiên cần kể đến việc Việt Nam giành ưu tiên cao nhất cho việc đẩy mạnh quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Mục tiêu của lần sửa đổi này đã được chúng ta nhấn mạnh nhiều lần, đó là: đảm bảo sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị phù hợp với tình hình và những phát triển mới của đất nước. Trong đó,  mục tiêu của Nhà nước ta không gì khác là tiếp tục ưu tiên phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nếu ai đã từng đọc kỹ bản Hiến pháp năm 2013 sẽ nhận thấy rất rõ tư tưởng này kề từ việc cấu trúc chương, điều đến nội dung của từng khoản, từng điều. Để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân và cũng để phản ánh rõ nét hơn, chính xác hơn tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước khi được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII đã được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các giới, các ngành, đoàn thể. Kết quả hơn 26 triệu lượt ý kiến  góp ý vào Hiến pháp sửa đổi đã phần nào chứng minh cho sự mở rộng dân chủ, cho sự phát huy quyền làm chủ thực sự của dân.

Cùng với việc thông qua Hiến pháp, trong 4 năm qua, Việt Nam cũng đã bổ sung và ban hành mới hàng loạt các dự án luật khác, trong đó, có nhiều luật liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân như: Luật Báo chí, Luật Đất đai, Luật Công đoàn, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Người khuyết tật, Luật Luật sư… Còn, nếu nói về những hoạt động tôn giáo tín ngưỡng cũng như những hoạt động hội đoàn khác, có thể khẳng định không quá rằng: Ở Việt Nam, hầu hết người dân (khoảng 95%) có đời sống  tín ngưỡng; trong đó 24 triệu người (chiếm hơn ¼ dân số) là tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Và, cũng ít ở đâu như tại Việt Nam, các tôn giáo đã tồn tại lâu đời và các tôn giáo mới hình thành độ dăm hoặc 10 năm trở lại đây lại được tạo điều kiện phát triển bình đẳng  trong một môi trường hòa bình, thân thiện. Một đất nước có diện tích hơn 331 ngàn cây số vuông (kể cả diện tích biển) nhưng đã có tới 25 ngàn cơ sở thờ tự tôn giáo và 45 trường đào tạo chức sắc tôn giáo thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Đó là chưa kể tới sự hiện hữu của 460 hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có phạm vi hoạt động toàn quốc và khoảng 36 ngàn hội, hiệp hội ở cấp địa phương. Và, cũng chưa kể tới sự tham gia tích cực chủ động của ta trong việc ký và tham gia vào các Công ước quốc tế liên quan trực tiếp tới việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Những con số đó đã tự nói lên nhiều điều về chính sách tôn giáo của Nhà nước ta. 

Một trong những vấn đề mà nhiều quốc gia và đặc biệt là nhiều tổ chức thường hay đề cập đó là quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận internet ở Việt Nam. Chính khảo sát của WeAreSocial- một tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu - đã cho thấy một điều ngược lại với những gì mà một số tổ chức thiếu thiện chí hay nhắc đến. Tính đến tháng 12-2012, số người dùng Internet ở Việt Nam là 30,8 triệu người (so với 26 triệu người năm 2010 và 20 triệu người năm 2008), chiếm 34% dân số (trong khi mức trung bình của thế giới là 33%).Tính chung cả nước có gần 3 triệu người có blog cá nhân. Theo xếp hạng năm 2012 của Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 8 tại Châu Á về số lượng người sử dụng internet. Có được thành tựu này có lẽ cũng là nhờ một phần ở nỗ lực nâng cao mức sống trung bình của người dân mà Chính phủ đã không ngừng phấn đấu. Báo cáo chỉ số phát triển con người của UNDP  năm 2010 ghi nhận Việt Nam là một trong mười nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua. Tính từ năm 2008 đến năm 2012, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.024 đô la Mỹ/người/năm lên 1.540 đô la Mỹ/người/năm.

Thực tế sống động về sự phát triển của Việt Nam những năm qua đã được khắc họa bằng một vài con số cụ thể nêu trên; nhưng nó đã được thể hiện rõ hơn nữa trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đồng LHQ khóa 68 tháng 9-2013 về "Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” và việc Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chung về hòa bình, an ninh, giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chủ trương giải quyết hòa bình các xung đột trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế... Thông điệp ấy của người đứng đầu Chính phủ đã được các nước và dư luận quốc tế đánh giá cao.

Trong phiên trình bày Báo cáo kiểm điểm định kỳ UPR chu kỳ 2 hôm 5-2 dù rằng vẫn còn đó những khuyến nghị chưa thật đúng, thật sát với tình hình phát triển thực tế Việt Nam; thậm chí có cả những ý kiến chưa tính đến đặc trưng văn hóa trong sự phát triển chung ở Việt Nam. Nhưng, với tinh thần thực sự trân trọng, cởi mở với bạn bè quốc tế; đặc biệt là coi trọng mong muốn chung của cộng đồng quốc tế về sự song hành của các nhân tố hoà bình, phát triển cùng với sự đảm bảo quyền con người, quyền công dân chúng ta đã lắng nghe tất cả các ý kiến,  hoan nghênh các ý kiến xây dựng của bạn bè. Quan trọng nhất là các nước tham dự phiên họp đều chung nhận định: Báo cáo Quốc gia của Việt Nam đã cung cấp đầy đủ, đa chiều thông tin ở tất cả các lĩnh vực khác nhau; đã nêu bật được những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong 4 năm qua; đặc biệt trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ- tiền đề cho việc đảm bảo quyền con người một cách toàn diện tại Việt Nam. Nhưng, cũng cần nói rõ thêm, không phải chỉ dựa vào báo cáo mà cộng đồng, bạn bè quốc tế đã dựa vào thực tế Việt Nam thông qua những chuyến thăm chính thức hay không chính thức để đối sánh với những gì được nghe qua báo cáo. Thực tế phát triển, thực tế đổi mới của một Việt Nam đang hướng mạnh tới mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh đã là câu trả lời xác thực nhất. Và vì thế mà rất, rất nhiều quốc gia đã bày tỏ sự hoan nghênh, đồng tình với bản Báo cáo của chúng ta.
(Theo ĐĐK) Hoàng Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét