Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

 Nghị định chồng chéo, báo chí bị “đánh hội đồng”

Cập nhật lúc 07:58

Hợp lý nhất là vi phạm trong lĩnh vực báo chí thì nên để thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính.
Thời gian qua, hàng loạt tờ báo đã lên tiếng về việc cơ quan nào cũng có thẩm quyền xử phạt khi báo chí đưa tin không đúng sự thật. Thủ tướng cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tư pháp báo cáo vấn đề này trước ngày 22-1, tuy nhiên Bộ Tư pháp đã xin lùi thời điểm báo cáo vì còn nhiều ý kiến khác nhau. Để bạn đọc rõ hơn về vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài phân tích của ông Ngô Mạnh Hùng, một chuyên gia công tác trong lĩnh vực báo chí và có nghiên cứu sâu vấn đề trên.
Ngày 1-1-2014, Nghị định (NĐ) 159/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong hoạt động báo chí, xuất bản chính thức có hiệu lực. Cùng và trước thời điểm này, nhiều NĐ quy định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực khác như an toàn thực phẩm, y tế, khí tượng thủy văn, giáo dục… cũng có một số quy định xử phạt đối với hoạt động báo chí (xin xem mẩu phía dưới).
Có thể nói các NĐ trên đây không phải nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước đối với báo chí mà lại gây phức tạp thêm đối với một lĩnh vực hết sức nhạy cảm do tính thiếu thống nhất, mâu thuẫn trong nội dung các quy định, đồng thời không phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ cải cách hành chính hiện nay.

 
Mâu thuẫn về thẩm quyền, mức phạt
Về thẩm quyền xử phạt, hầu hết các NĐ ban hành trước NĐ 159 đều quy định chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt báo chí trong khi NĐ 159 quy định từ chủ tịch UBND cấp huyện trở lên mới có thẩm quyền này. Việc xử phạt tưởng như đơn giản nếu như sai phạm rõ ràng và bên sai phạm đã thừa nhận hành vi của mình là trái pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động báo chí là hoạt động đặc thù trong đời sống tư tưởng của xã hội nên việc chứng minh có hay không có VPHC; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; tính chất, mức độ thiệt hại do VPHC gây ra là vấn đề rất khó. Nếu như cấp tỉnh, huyện có cơ quan chuyên môn (trong đó có cơ quan thanh tra nhà nước) có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND thì cấp xã không có loại cơ quan này. Điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến tính khách quan, hợp lý của quyết định xử phạt VPHC đối với báo chí của chủ tịch UBND cấp xã; nếu sai sẽ dễ bị khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ hai là mâu thuẫn về mức phạt. Hành vi vi phạm của báo chí được quy định trong các NĐ của các ngành, lĩnh vực khác (không phải báo chí) chủ yếu là thông tin, đưa tin không đúng sự thật hoặc sai sự thật, không ghi rõ nguồn tin với các mức phạt khác nhau. Chẳng hạn, NĐ 109/2013 phạt tiền từ 75 triệu đến 100 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường. NĐ 138/2013 lại quy định phạt tiền từ 3 triệu đến 6 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi… Ngoài ra, các NĐ trên cũng không quy định về tính chất, mức độ hậu quả mà hành vi gây ra ở mức độ nào.
Trong khi đó, NĐ 159 quy định phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng; gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng; gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng thì phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. NĐ này quy định mức phạt khác nhau đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật với những hậu quả khác nhau là phù hợp với thông lệ sai đến đâu, xử đến đó.
Ai rành chuyện gì thì làm chuyện đó
Từ những phân tích ở trên cho thấy việc ban hành các NĐ trong đó có quy định xử phạt báo chí như vừa qua dẫn đến việc chồng chéo, NĐ “chồng” NĐ, phá vỡ tính thống nhất về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí.
Để giải quyết tình trạng này,  Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo để các ngành, lĩnh vực thực hiện đúng Điều 83 Luật Ban hành VBQPPL: Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau. Như vậy, khi xử phạt hành chính đối với các vi phạm trong hoạt động báo chí đều phải được thực hiện theo NĐ 159 (có hiệu lực từ 1-1-2014) vì đây là NĐ mới nhất và các hành vi vi phạm cơ bản đã được liệt kê đầy đủ trong NĐ này.
Vấn đề quan trọng là ai có thẩm quyền xử phạt báo chí? Khi lập biên bản VPHC thì với nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn của mình, người lập biên bản đã cơ bản đã xác định được việc có VPHC hay không; nhận diện được cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHC cũng như lỗi, nhân thân của cá nhân VPHC; đồng thời, có căn cứ để xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; tính chất, mức độ thiệt hại do VPHC gây ra… Đây cũng chính là căn cứ để người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Như vậy, hợp lý nhất là: Đối với VPHC trong lĩnh vực y tế thì thanh tra ngành y tế lập biên bản; vi phạm trong lĩnh vực giáo dục thì thanh tra giáo dục lập biên bản; vi phạm trong lĩnh vực thuế thì thanh tra thuế lập biên bản... Còn vi phạm trong lĩnh vực báo chí thì nên để thanh tra chuyên ngành TT&TT lập biên bản và xử phạt VPHC.
Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước khi kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu VPHC trong hoạt động báo chí và không có thẩm quyền xử phạt thì phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Tốt nhất nên chuyển về thanh tra chuyên ngành TT&TT vì họ là cơ quan chuyên trách về lĩnh vực này.
Rà soát để sửa đổi
Về mặt hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ Tư pháp cần chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan rà soát các quy định, kiến nghị Chính phủ sửa đổi các NĐ đã ban hành có quy định xử phạt báo chí. Việc sửa đổi có thể theo hướng loại bỏ các quy định về hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí vì các hành vi này đã được chỉ rõ trong NĐ 159 hoặc sửa đổi mức phạt, thẩm quyền xử phạt cho phù hợp. Đây là vấn đề “dễ làm” nhưng “khó thực hiện” trong thời gian trước mắt.
Ngoài ra, khi chủ trì xây dựng để trình Chính phủ ban hành các NĐ mới, Bộ Tư pháp cùng các ngành, lĩnh vực cần rà soát, đối chiếu xem hành vi dự định sẽ bị xử phạt đã có trong NĐ 159 hay chưa; nếu có rồi thì không đưa vào hoặc nếu có đưa vào thì cần cụ thể hóa nhưng cũng phải phù hợp với các mức phạt của NĐ 159. Đối với những hành vi mới, chưa được quy định trong NĐ 159 thì cần bổ sung phù hợp với ngành mình, lĩnh vực mình quản lý. Quá trình dự thảo NĐ, cần tăng cường tham khảo ý kiến, xin ý kiến tư vấn, đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan thanh tra báo chí thuộc Bộ TT&TT cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực này.
(Theo PL TPHCM) NGÔ MẠNH HÙNG
Tựa đề của Kinh Bắc
 Báo chí giữa "muôn trùng vây"
Ngoài NĐ 159/2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực báo chí, hiện có rất nhiều NĐ khác cũng quy định xử phạt báo chí. Có thể kể đến:
- NĐ 178/2013 quy định xử phạt VPHC về an toàn thực phẩm.
- NĐ 176/2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế.
- NĐ 173/2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.
- NĐ 138/2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục.
- NĐ 131/2013 quy định xử phạt VPHC về quyền tác giả, quyền liên quan.
- NĐ 109/2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
- NĐ 79/2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực thống kê.
Hai quan điểm trái chiều
- Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc quy định nhiều cơ quan hành chính có thẩm quyền xử phạt báo chí là phù hợp. Theo đó, việc xử phạt này được thực hiện theo nguyên tắc cơ quan nào thụ lý đầu tiên thì cơ quan đó sẽ xử phạt. Luồng quan điểm này được lý giải dựa trên đặc điểm của quản lý hành chính nhà nước có nhiều lĩnh vực khác nhau, đa dạng và có sự chồng lấn lên nhau, vì vậy các NĐ dù ở các lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn chồng chéo. Từ đó vẫn có tình trạng một hành vi có nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý.
- Luồng quan điểm thứ hai cho rằng: Cần quy thẩm quyền xử phạt đối với báo chí về một mối. Theo đó, thanh tra các ngành khác khi phát hiện báo chí sai phạm thì có quyền đề nghị thanh tra Bộ TT&TT xem xét ra quyết định xử phạt chứ kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm” như trên sẽ gây ra tình trạng lộn xộn. Luồng quan điểm này được lý giải trên nguyên tắc “một hành vi VPHC chỉ bị xử phạt một lần”. Luồng quan điểm này cũng cho rằng nguyên tắc “cơ quan nào thụ lý đầu tiên thì cơ quan đó xử phạt” mà luồng quan điểm thứ nhất viện dẫn để áp dụng trong trường hợp này cũng không phù hợp. Bởi lẽ nguyên tắc này chỉ áp dụng đối với một VPHC được quy định tại một NĐ cụ thể chứ không dùng nó để giải quyết cho sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các VBQPPL khác nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét