Thời gian gần đây,
đã xảy ra hàng loạt vụ việc, hành vi bất chấp pháp luật, tấn công, xâm hại
đến sự an toàn sức khỏe cũng như tính mạng của người khác, đặc biệt là
những người đang làm nhiệm vụ hoặc thi hành công vụ, là tội phạm. Những
hành vi đó phải bị xử lý theo pháp luật hình sự hoặc luật xử phạt vi phạm
hành chính tùy theo mức độ nặng nhẹ. Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch
(Đoàn Luật sư TP. HCM), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số người
dân hành xử vô lối, vi phạm pháp luật. Đó có thể xuất phát từ tâm lý bức
xúc trước những thiệt hại vật chất và phi vật chất, những tổn thất tinh
thần không gì bù đắp được. Đó cũng có thể xuất phát từ những hành vi chưa
chuyên nghiệp, vi phạm điều lệnh, nội quy, quy trình, thủ tục thẩm quyền
trong khi thi hành công vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hách dịch, cửa
quyền có tác phong ứng xử không đúng mực của những người thi hành công vụ.
Đặc biệt, những quy định của pháp luật còn chưa hợp lý, nhiều bất cập khiến
người dân mất niềm tin vào công lý nên đã tự hành xử theo “luật” của riêng
mình. Rõ nhất là những vụ người dân bị mất trộm chó, pháp luật quy định
người nào trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mới bị truy
cứu trách nhiệm hình sự. Người dân bắt kẻ trộm chó giao công an, sau đó đối
tượng này được thả ra vì giá trị tài sản không đủ để cấu thành tội phạm. Kẻ
trộm tiếp tục trộm cắp và còn sử dụng hung khí hành hung người dân để tẩu
thoát nên khi bắt được kẻ trộm, người dân đã “tự xử”.
Xe máy của 2 n gười nghi là trộm chó bị đốt cháy.
Còn theo luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn Luật
sư TP. HCM), nguyên nhân lớn nhất khiến người dân hành xử bạo lực xuất phát
từ sự thiếu niềm tin vào xã hội, đặc biệt là chính quyền. Trong những vụ
hành hung y, bác sĩ, CSGT… vừa qua, xuất phát từ việc một số y, bác sĩ yếu
kém về chuyên môn, hành xử thiếu trách nhiệm; một bộ phận lực lượng CSGT có
hành vi tiêu cực hay việc nghiêm trị tội phạm tham nhũng còn dễ dãi…
Theo Tiến sĩ Trương Văn Vỹ- Giảng viên
Xã hội học tội phạm- Trường ĐH KHXH & NV TP HCM, thời gian qua liên
tiếp xảy ra những vụ việc xuất phát từ sự quan liêu, hách dịch của một số
cán bộ và sự tắc trách, vô cảm của không ít y, bác sĩ đã đẩy tâm trạng
hoang mang, phẫn uất của người dân lên tột độ nên họ hành xử theo bản năng,
bất chấp pháp luật. Cách phản ứng này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ
đáng lo ngại, nếu các cơ quan công quyền không xử lý khéo léo, chừng mực,
có tình, có lý, hợp lòng dân trên cơ sở pháp luật. Đối với những cán bộ có
hành vi sai trái phải xử lý nghiêm để người dân tâm phục khẩu phục. Viên
chức, công chức của các cơ quan công quyền phải biết tôn trọng dân, hành xử
đúng mực, khách quan, chấp hành đúng pháp luật khi tham gia giải quyết
những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của mình.
“Tình trạng “tự xử” trong bộ phận dân
chúng như tự bắt trộm chó, tự thuê xã hội đen đòi nợ, tự thiêu, tự bắn cán
bộ… là do việc không hành động, thiếu trách nhiệm của chính quyền khiến
người dân thiếu tin tưởng”… Đây là vấn đề ủy viên thường trực UB Tư
pháp Đỗ Văn Đương đặt ra trong phiên thảo luận về công tác phòng chống tội
phạm, vi phạm pháp luật, công tác tư pháp năm 2013 tại UB Thường vụ QH vừa
qua.
Theo hướng suy luận này, đại biểu Đỗ
Văn Đương cũng cho rằng báo cáo về tình hình tội phạm của Chính phủ chưa
phản ánh đúng tình hình thực tế, những vi phạm trong y tế, giáo dục, khai
thác tài nguyên khoáng sản… chưa đề cập mà lại “đổ hết tội” cho cơ quan
pháp luật trong khi nhiều vấn đề phát sinh thuộc trách nhiệm của chính
quyền địa phương. Ông Đương đề cập tình trạng “không hành động” của chính quyền địa phương.
Dẫn chứng từ vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, ông Đương khẳng định đủ căn
cứ khởi tố bắt giam ngay người đứng đầu doanh nghiệp có hành động “lắt
léo”, vi phạm hết sức nghiêm trọng nhưng địa phương không hề có động thái
gì.
Mổ xẻ sâu thêm vấn đề, Phó Chủ nhiệm UB
Tư pháp Nguyễn Văn Luật “phê” báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ vấn đề địa
chỉ trách nhiệm, trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành hay Chủ tịch UBND,
giám đốc Sở, trưởng ngành đến đâu. Ông Luật dẫn lại chỉ đạo của lãnh đạo
Chính phủ về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa bàn để xảy ra tình
trạng tội phạm có tổ chức, hoạt động kiểu băng nhóm xã hội đen. Dù vậy,
nghịch lý vẫn diễn ra, từ vụ Tiên Lãng tới vụ nhân bản xét nghiệm ở Hoài
Đức, vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa… chỉ khi lãnh đạo Chính phủ lên tiếng,
yêu cầu xử lý nghiêm, báo cáo trong thời hạn cụ thể thì việc mới “chạy”,
người dân mới yên tâm. Những vụ án hình sự nghiêm trọng khi CQĐT Bộ Công an
vào cuộc thì cử tri cũng mới chắc mẩm sự việc được xử lý rốt ráo. Còn nếu
cứ để địa phương xử lý, người dân sẽ vẫn lo lắng là việc lại… chìm xuồng.
(Theo Công luận) KHÁNH
AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét