Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

 08:05

Tiếp tục xẻ vườn quốc gia làm thủy điện


Đã có 1 thủy điện xây dựng hoàn thành và 2 thủy điện khác đang được chủ đầu tư và cơ quan chức năng khảo sát để xây dựng trong Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, nơi được mệnh danh là “báu vật” của Tây Nguyên

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vừa đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh tạm dừng xây mới các dự án thủy điện ở Tây Nguyên trong năm 2013 và 2014 do có tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống. Tuy nhiên, hiện các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk vẫn đang khảo sát để xây dựng thủy điện trong Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin.
Giành rừng với muông thú
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn đề nghị các sở, ngành khảo sát, đánh giá tác động môi trường khu vực xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea K’tour (công suất 5 MW). Trước đó, Công ty TNHH Hoàng Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã có công văn xin chuyển đổi mục đích sử dụng 6 ha rừng VQG Chư Yang Sin để xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor tại tiểu khu 1196, 1200 và 1214, là phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt VQG Chư Yang Sin.

 
Khu vực xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor có nhiều động - thực vật quý hiếm nằm
trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới
Theo chân ông Lộc Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc VQG Chư Yang Sin, vào khu vực dự kiến xây Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor, chúng tôi tận mắt chứng kiến những khu rừng nguyên sinh, cây cối chằng chịt với rất nhiều loài động - thực vật quý hiếm. Chỉ tay về khu vực dự kiến xây đập, ông Nghĩa nói: “Giờ thì các anh hiểu vì sao chúng tôi kịch liệt phản đối xây thủy điện rồi nhé! Đây là khu vực có hệ động - thực vật phong phú, đa dạng nhất của vườn”.
Theo ông Nghĩa, VQG Chư Yang Sin có hơn 2.000 loài động - thực vật, trong đó có hàng trăm loài đặc hữu quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Qua điều tra khảo sát, khu vực dự kiến xây dựng thủy điện xuất hiện hầu hết các loài động - thực vật quý hiếm, đặc hữu như: Pơ mu, hồng tùng, thông 5 lá, lan kim tuyến, khướu đầu đen má xám, ếch cây Chư Yang Sin, mang lớn, vượn má hung, chà vá chân đen…

 
Khu vực xây nhà máy thủy điện Ea K’tuor có nhiều động thực vật quý hiếm nằm
 trong sách đỏ Việt Nam và thế giới._Ảnh: CAO NGUYÊN
Ngoài ra, các nhà khoa học Nga đã điều tra trong khu vực này còn 8 loài chưa xác định được tên, có khả năng là các loài mới chưa công bố trên thế giới. “Nếu xây dựng thủy điện, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các loài động - thực vật trên, trong đó có khoảng 3 km suối bị khô cạn (nước chảy trong ống áp lực) sẽ làm chết nhiều loài cây cối, thủy sinh có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới” - ông Nghĩa cho biết.
“Đè” di tích
Việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn “đè” lên di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia là hang đá Đắk Tur, thuộc khu căn cứ cách mạng H9 (buôn Đắk Tur, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Theo đó, khu vực dự kiến xây đập thủy điện chỉ cách hang đá Đắk Tur chừng 1 km, đường ống áp lực dẫn nước chạy qua cửa hang và khu vực đặt nhà máy chồng lên hội trường Tỉnh ủy Đắk Lắk trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Ông Huỳnh Văn Cần, nguyên bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết: Từ năm 1966 - 1975, căn cứ H9 là trung tâm đầu não, nơi ở và làm việc của Tỉnh ủy Đắk Lắk. Những năm cuối của thập niên 1970, địch càn quét ngày đêm nhưng được sự bao bọc của đồng bào bản địa nên nơi đây đã diễn ra thành công nhiều cuộc họp quan trọng và 3 kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đang quy hoạch để tái tạo tổng thể khu di tích phục vụ du lịch và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Theo ông Y Ben Byă, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích tỉnh Đắk Lắk, dự án thủy điện Ea K’tuor nằm gần trọn trong khu căn cứ H9. “Nếu xây dựng thủy điện coi như phá bỏ khu di tích nên chúng tôi kiên quyết phản đối” - ông Y Ben Byă khẳng định.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công Thương đã có chủ trương cho phép Công ty TNHH Hoàng Nguyên khảo sát xây dựng thủy điện. Sở NN-PTNT cũng đã cùng các sở, ngành của tỉnh khảo sát để báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét trong thời gian tới.

Trong khi lãnh đạo VQG Chư Yang Sin đang phản đối xây Nhà máy Thủy điện Ea K’tuor ở phía Bắc của vườn thì ở phía Nam, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (TP HCM) đang hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 18 ha rừng tại tiểu khu 1418 và 1419 để xây Nhà máy Thủy điện Krông Nô 2.

Thủy điện “giết” thác, xóa sổ 100 ha rừng
Thác Krông K’mar thuộc VQG Chư Yang Sin là thác nước đẹp, hùng vĩ bậc nhất Tây Nguyên chỉ còn trong ký ức khi Nhà máy Thủy điện Krông K’mar (công suất 12 MW) xây dựng vào năm 2008. Ngoài việc xóa sổ thác nước, thủy điện này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân dọc sông Krông K’mar khi lấy nước sông rồi đổ về một nhánh khác và xóa sổ hơn 100 ha rừng đặc dụng của VQG Chư Yang Sin.
(Theo NLĐ) CAO NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét