Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

09:02

Ngộ nhận về giá thị trường?

SGTT.VN - Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, lẫn người tiêu dùng đang bị ngộ nhận về giá thị trường, và việc cho phép tập đoàn Than – khoáng sản, tập đoàn Điện lực Việt Nam, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng giá theo lộ trình là điều không hay vì các doanh nghiệp này đang độc quyền, nguy hiểm nhất là tạo kỳ vọng tăng giá trong dân chúng.

 
DN đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng giá theo lộ trình là điều không hay vì các DN này đang độc quyền. Ảnh: NLĐ
Quan điểm trên được ông Phong nêu ra ngày 20.8, tại buổi toạ đàm khoa học “Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cho các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh”, do bộ Tài chính tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế.
Theo ông Nguyễn Minh Phong, các doanh nghiệp đòi hướng tới giá thị trường trong khi tại Việt Nam, ở các mặt hàng xăng, dầu, điện, than, chưa hề hình thành một thị trường cạnh tranh nào cả. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa chia nhỏ các khâu bán lẻ điện. Thị trường xăng dầu vẫn già nửa là của Petrolimex thì không thể có giá thị trường được. “Cần nhớ rằng, giá thị trường hoàn toàn khác với giá do doanh nghiệp điện, xăng, than chủ động đề nghị. Xin đừng ngộ ngận về giá thị trường. Khi thị trường cạnh tranh nửa vời, khái niệm thị trường mang tính chất danh nghĩa thì cách quản lý giá, điều hành giá phải kết hợp, đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước”, ông Phong lưu ý. Vẫn theo ông Phong, các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp lúc nào cũng nói, tiến tới giá thị trường, đưa giá các mặt hàng thiết yếu bám sát giá thế giới, nhưng làm được điều này rất khó.
TS Nguyễn Thị Hiền, thành viên hội đồng tư vấn kinh tế của Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, cũng cho rằng, việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu không chỉ ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát, mà quan trọng hơn nó phản ánh độ minh bạch, uy tín của cơ quan điều hành.
“Việc cho phép giá điện tăng giá theo định kỳ tạo ra kỳ vọng tăng giá trong dân chúng. Vì vậy mà khi giá điện tăng, thì hàng loạt các mặt hàng liên quan như ximăng, sắt, thép, rồi đến mớ rau cũng tăng theo”, ông Phong phân tích.
Vì vậy, theo một số chuyên gia, trong trường hợp phải tính đến chuyện tăng giá thì phải xác định liều, lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những hiện tượng té nước theo mưa, và đặc biệt cơ quan quản lý cần phải kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá hàng hoá dịch vụ do doanh nghiệp kiến nghị. “Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tập đoàn có vị trí thống lĩnh thị trường phải thường xuyên báo cáo, minh bạch số liệu, để mọi người cùng biết được hiệu quả kinh doanh như thế nào”, một chuyên gia nêu ý kiến.
(Theo SGTT) T.ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét