Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Vui hay lo:

19:51

Công chức dành nửa thời gian đi học

Một cán bộ công chức như tôi có bốn mươi năm đi làm thì thời gian đi học đã mất phân nửa, tính ra khoảng hai mươi năm... Mà giữa việc được học với việc đang làm không liên quan gì", ông Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại kể.
Câu chuyện của một người tự nhận là "đã ở rất lâu trong hệ thống" được dẫn ra tại hội thảo ngày 3/7 của Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương về "xây dựng tầm nhìn Chính phủ", với trọng tâm là tạo lập một nền công vụ tốt, với những công chức mẫn cán, thạo việc.
"Cán bộ ta đi học rất nhiều"
Minh chứng cho nhận định trên, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại Nguyễn Văn Nam kể, suốt bốn mươi năm công tác thì có đến phân nửa thời gian của ông là dành riêng cho mỗi chuyện học hành.  Nào tham gia các lớp bồi dưỡng, lớp nâng cao rồi các khóa đào tạo về nghiệp vụ, chuyên môn, chuyên đề quốc tế...
 công chức, lương, cải cách
  Công chức dành phân nửa thời gian cho học hành. Ảnh minh họa: Thanh Minh
"Nhưng chuyện học hành và công việc lại không liên quan gì với nhau nhiều lắm... Một công chức có thể đi học qua rất nhiều trường lớp về nhiều vấn đề, chuyện quốc gia, quốc tế... nhưng cách tiếp dân như thế nào, hoặc làm thế nào để thực hiện được vai trò của một công chức thì dường như họ không biết.... Vậy nên khi cấp trên giao xử lý một công việc nào đó thì họ rất lúng túng", ông Nam phản ánh.
Ông Nam cũng phàn nàn, có nhiều người thậm chí sau suốt thời gian học hành đã được đề bạt một ví trí quản lý tương đối cao, trong khi không hề có am hiểu thực tiễn. Và bộ máy đã vận hành theo cách như vậy nhiều năm nay...
Cũng theo nhiều diễn giả tại hội thảo, một trong những nguyên nhân khiến việc đánh giá chất lượng công chức khó khả thi là bởi không có bản mô tả vị trí việc làm chi tiết và cụ thể.
Ông Nam nhớ lại, cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, người từng rất sát sao với công việc, khi mới nhậm chức ở Bộ thương mại đã yêu cầu bộ phận nhân sự làm bản mô tả chi tiết công việc đến từng vị trí ở cấp phòng, vụ để dựa vào đó mà bố trí đúng người, đúng việc. "Nhưng kết quả là chỉ tạo thêm một tập hồ sơ rất dày mà thôi, chứ cũng không làm được gì", ông Nam nói.
Theo ông, bản chất vấn đề không phải là thiếu những người có năng lực đủ sức đảm nhận công việc trong bộ máy mà là thiếu... sức ép đủ mạnh để tạo nên thay đổi toàn diện.
"Nếu có sức ép thì mọi thứ sẽ rất rõ ràng. Chẳng hạn, khi giao việc cho ai đó thì luôn luôn phải xây dựng một bản mô tả công việc, nói rõ chức năng nhiệm vụ của từng vị trí tương ứng. Rồi định kỳ kiểm tra, kiểm điểm. Ai không đủ điều kiện phải thay ngay, loại ngay khỏi bộ máy. Chứ ai cũng nói tâm lý cán bộ bây giờ là chỉ cần phấn đấu để được ngồi vào vị trí nào đó rồi thôi vì đã ngồi vào đó là yên tâm suốt đời", ông Nam phản ánh.
Ông Ngô Quang Minh (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) lưu ý, thống kê của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây về tỷ lệ gần 30% công chức "cắp ô" cho thấy nhiều chuyện đáng báo động. Bởi đội ngũ này vừa tiêu tốn ngân sách nhà nước, lại vừa là những "quả bom nổ chậm" gây ra sức ì của nền công vụ.  Thậm chí, chuyện phe cánh, bè phái, quan liêu cũng từ nhóm này mà ra.
Thứ trưởng lương cũng không đủ sống
Trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ vẫn chưa được cải thiện là bao thì lộ trình cải cách tiền  lương gần đây vẫn bị phàn nàn là "chậm, không đủ sống". Tuy nhiên, nói như ông Ngô Quang Minh, cần phải đánh giá chuyện lương bổng trong tương quan với chất lượng và hiệu quả công việc, thay vì chỉ nhăm nhe xem tăng lương đã theo kịp tăng giá hay chưa. Bởi thực tế, công chức không sống bằng lương, cho dù ai cũng kêu ca lương thấp.
"Ngay đến một vị Thứ trưởng mới đây cũng thốt lên là lương không đủ sống. Nhưng thực tiễn lại chứng mình là ai cũng sống được và còn rất khá", ông Minh nói.
Ông Minh cũng nhẩm tính, mức lương khởi điểm năm 1985 tương đương với hơn sáu yến gạo. Gần 30 năm sau (2013), lương khởi điểm nếu tính theo mức vừa được tăng đầu tháng 7 vừa rồi thì cũng chỉ mua được chừng đó gạo. Có nghĩa là "dậm chân tại chỗ".
"Nhưng tất cả mọi công chức có lẽ đều phải thừa nhận rằng đời sống của mỗi người hiện nay đều khá khẩm hơn so với ba mươi năm trước rất nhiều. Như vậy thu nhập mà chúng tôi có được đều lớn hơn lương chính thức nhà nước trả. Và tất tần tật đều từ nguồn ngân sách nhà nước mà ra, chỉ khác là nó tản mát và không thể kiểm soát", ông Minh khẳng định. Đây chính là lời giải thích cho tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh vẫn đang tồn tại trong bộ máy mà chưa có cách kiểm soát.
Ông Minh đề xuất, mọi hướng cải cách nền công vụ phải đặt trọng tâm đến 2020 xây dựng được một đội ngũ tinh gọn, thông thạo việc, có thu nhập đủ sống từ công việc. "Chứ không phải vẫn duy trì một đội ngũ phải vất vả lo xoay xở với miếng cơm, manh áo, vá víu chỗ này, bổ sung chỗ kia", ông Minh nói.
(Theo TuanVietNamnet) Lê Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét