07:16
Hô hào
nhiều, thay đổi được bao nhiêu
TT
- Cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội sẽ bị giám sát, kiểm tra và thanh
tra công vụ về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp.
Người dân rất cần các công
chức trong sạch, có năng lực. Trong ảnh: làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng
đất tại quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: T.Đạm
Đó là một trong những nội dung vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Nguyễn Thế Thảo giao Sở Nội vụ, Thanh tra TP vào cuộc thanh tra, xử lý nghiêm
các vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức. Dư luận chắc sẽ rất đồng tình
và hoan nghênh việc làm trên, song không khỏi vẫn còn một vài băn khoăn: Xử
lý nghiêm ở mức độ nào hay là chỉ răn đe, “gãi ngứa” như dư luận lâu nay vẫn
nói rồi đâu cũng lại vào đó?
Điều rất dễ thấy Hà Nội hay các địa phương khác trên cả nước muốn
đạt chỉ tiêu tăng trưởng, phát triển hội nhập không gì khác là phải phát huy,
huy động tất cả nguồn lực đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên, một nỗ lực không
kém phần quan trọng có ý nghĩa quyết định là phải tháo gỡ các rào cản đối với
sự phát triển. Một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển lâu nay là những
bất cập trong bộ máy hành chính nhà nước, mà “thủ phạm” không ai khác là các
công chức yếu kém, thoái hóa biến chất, vô cảm, quan liêu, gây phiền hà,
nhũng nhiễu, tham nhũng.
Cần phải loại ra khỏi bộ máy những công chức thoái hóa biến chất
này. Tuy nhiên, nếu những ai tâm huyết, theo dõi thường xuyên tình hình thời
sự về công tác quản lý công chức sẽ không khỏi băn khoăn, bởi lẽ lâu nay đã
có sự lo ngại là hô hào quá nhiều mà tình hình thay đổi quá chậm. Hình như
con bệnh công chức vô cảm, tham nhũng đã quá lờn thuốc? Hình như loại virút
này đã biến chủng mà chưa xuất hiện thuốc đặc trị? Thêm vào đó, lâu nay chỗ
yếu của chúng ta là chưa có kế hoạch tổng thể, biện pháp tổ chức thực hiện
dài hơi, căn cơ để đủ sức đẩy lùi, ngăn chặn, xóa bỏ các tệ vô cảm, tham
nhũng, quan liêu... làm trong sạch bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa
phương. Nếu không có kế hoạch, biện pháp triển khai từ trung ương đến địa
phương thì cũng sẽ như mọi lần, có hô hào kêu gọi nhưng dần dần mọi chuyện sẽ
lãng quên, đâu sẽ vào đó, tình hình vẫn như cũ.
Nếu hỏi bất kỳ một người có trách nhiệm quản lý: Ở đơn vị đồng
chí, để loại ra khỏi cơ quan những công chức thoái hóa thì bắt đầu phải làm
những việc gì, tiến hành ra sao, có hi vọng đạt kết quả được không... chắc
chắn chúng ta sẽ nhận được câu trả lời rất chung chung và hàng loạt kêu ca
khó khăn như cơ chế, hoàn cảnh, biện pháp, bước đi, quyền hạn trách nhiệm...
Cũng đúng thôi, rất dễ xây dựng chân dung một công chức thoái hóa, nhưng khó
nhất là “áp chân dung” này cho ai trong từng đơn vị. Áp cho công chức A, B
hay C?... Sẽ xuất hiện hàng loạt khó khăn nan giải: công chức A là người
trong quá khứ có công, công chức B có cha chú làm ở cấp cao hơn nên khó đụng
đến, công chức C là cánh tay mặt của thủ trưởng... Một người tâm huyết có quan
tâm đến thời cuộc từng nói với chúng tôi: “Tôi thách trong cơ quan tôi loại
được ai, mặc dù ai cũng thừa biết trong cơ quan còn nhiều công chức bê bối.
Loại được ai đó chắc chỉ là người bị cơ quan bảo vệ pháp luật kêu án, cơ quan
hành chính chỉ làm các thủ tục xử lý hậu quả”. Có nhiều sự thật nghiệt ngã
nhưng rất giản dị như vậy!
Có một khảo sát điều tra trong bộ máy nhà nước chỉ có 40% người
đủ chuẩn, 40% còn thiếu một vài tiêu chuẩn, còn lại 20% thiếu chuẩn trầm
trọng không thể giao việc. Chuẩn ở đây chỉ mới xét trên bằng cấp đào tạo,
chưa nói đến năng lực thực tế. Nếu cộng thêm phẩm chất gọi chung là chữ tâm
thì con số sẽ còn khác xa. Chỉ mong từ Chính phủ, các cấp lãnh đạo chính
quyền địa phương cả hệ thống chính trị - không chỉ mình Hà Nội - sớm đề ra
giải pháp khắc phục căn bệnh xuê xoa không nghiêm khắc trong xử lý công chức
vi phạm. Có như vậy, quyết tâm làm trong sạch bộ máy mới trở thành khả thi.
DIỆP VĂN SƠN
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét