Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

 12:07

Bộ Công Thương quyết không loại thủy điện Đồng Nai 6, 6A 

(ĐVO) – 'Có tới hơn 300 dự án thủy điện Bộ Công thương thống nhất loại khỏi quy hoạch, vậy cớ gì mà Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A lại không?'



Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Nai, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bức xúc lý giải thêm khi tỉnh này vừa tiếp tục có văn bản kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Đừng nói rừng nghèo rồi phá!
Trước đó, ngày 3/7, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã ký văn bản số 5222 về việc kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho dừng dự án thủy điện Đồng Nai (ĐN) 6 và 6A. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường có báo cáo và kiến nghị Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho dừng và loại bỏ hai dự án thủy điện này ra khỏi quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai.

Theo bản kiến nghị này Dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A đã vi phạm Luật Di sản văn hóa và làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý chứa đựng sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù của Khu di tích Vườn quốc gia Cát Tiên.

'Hàng trăm ha rừng tự nhiên giàu có, đa dạng sinh học bị nhấn chìm dưới lòng hồ thủy điện ĐN6 và ĐN6A, hình thành hồ chứa nước lớn kéo dài trên một đoạn sông sẽ làm thay đổi đáng kể môi trường sống của các loài động thực vật đặc hữu tại đây', UBND tỉnh nêu trong bản kiến nghị.
Khu vực sẽ triển khai dự án thủy điện mà chủ đầu tư nói rằng đây là rừng nghèo
Khu vực sẽ triển khai dự án thủy điện mà chủ đầu tư nói rằng đây là rừng nghèo
Tuy nhiên khi lập dự án này, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cho rằng sẽ phá những khu rừng nghèo của Vườn Quốc gia Cát Tiên để tạo hệ sinh thái thủy vực mới.
Về ý này, ông Trương Văn Vở kịch liệt phản đối. Ông Vở nói: 'Đừng bao giờ nói chuyện rừng nghèo rồi phá đi làm thủy điện. Điều này hết sức vô lý và đi ngược với cơ sở pháp lý đã được quy định'.
Câu chuyện về 2 dự án thủy điện này đã đưa đi, kéo lại tới 6 năm trời nhưng đến nay vẫn chưa thể có một quyết định cuối cùng.
Ông Vở đặt câu hỏi, "Bộ Công thương và 20 địa phương mới đây đã thống nhất loại khỏi quy hoạch 338 dự án thủy điện với tổng công suất 1.088,9 MW (gồm 2 dự án thủy điện bậc thang và 336 dự án thủy điện nhỏ); đồng thời không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện (362,5 MW), vậy cớ gì mà không thể loại cả thủy điện ĐN6 và ĐN6A được?"
Khúc mắc ở đâu?
Trước đó từ năm 2011, khi phản biện dự án này Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng dự án có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến môi trường và vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và dòng chảy sông Đồng Nai.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký VACNE thì khu vực này do bị rải chất diệt cỏ trong chiến tranh, phần lớn là sinh cảnh rừng mọc lại, lồ ô và cây bụi, lại bị khai hoang làm nương rẫy nhiều.
'Cho nên nếu nói đây là rừng nghèo thì cũng là hợp lý. Tuy nhiên tôi muốn nhắc lại, vì dự án đụng đến rừng, diện tích rừng nên phải làm các bước theo đúng quy trình, đánh giá tác động môi trường và ảnh hưởng của dự án như Vacne đã đề xuất trước kia. Từ bấy đến nay cũng là 2 năm rồi. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có số liệu, quan điểm và đưa ra quyết định cuối cùng', TS Hòe nói.
Nhắc tới ý kiến này, ông Vở phản bác: ' Đã là Vườn quốc gia thì là Vườn quốc gia, kể cả đó chỉ là tre, nứa chứ đừng nói là cây nhỏ cũng phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Thêm nữa theo Nghị quyết 49 của Quốc hội, dự án sử dụng trên 50ha đất rừng của Vườn Quốc gia thì phải xin ý kiến Quốc hội. Tức là Vườn được luật pháp được bảo vệ rõ ràng, không thể làm ngơ'.
Theo TS Đào Trọng Tứ, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, những lo ngại của Đồng Nai về 2 dự án thủy điện này là có lý.
TS Tứ cho rằng, hiện nay nhìn tổng quát cả môi trường, sinh thái và luật pháp, tuy dự án không lớn nhưng đụng đến Vườn Quốc gia và tác động lâu dài là rất lớn.
'Khi sông ngòi dày đặc thủy điện nên xem xét lại. Đông Nai lo ngại là đúng vì khi tất cả các hồ đều điều tiết thì sẽ phải giải quyết như thế nào. Đây là câu chuyện khó mà phải chứng minh được bằng thực tiễn, trong khi hệ thống sông Đồng Nai dày đặc thủy điện', TS Tứ lo lắng.
Ngày 16/7, tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định sẽ yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các ban quản lý dự án thủy điện đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt công tác dự báo, vận hành và điều tiết nước trong các hồ, đập.

Đặc biệt là việc hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng tại các khu tái định cư. Với các thủy điện đang triển khai, nếu thấy có thể gây hậu quả lớn thì nên dừng lại.
(Theo ĐVO) Bích Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét