Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

19:58

Du khách Việt kẹt lũ ở Trung Quốc kể về chuyến hành trình nguy hiểm

(TNO) Sáng 14.7, người dẫn đoàn gồm 38 du khách Việt bị kẹt lũ ở Trung Quốc đã chủ động liên hệ với Thanh Niên Online để cung cấp thêm thông tin về vụ việc.

Điện thoại cho PV Thanh Niên Online từ Tây An, Trung Quốc, ông Lý Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Nam Phương (có trụ sở ở TP.HCM) khẳng định đoàn khách 38 người kẹt lũ là do công ty ông đưa đi.
Đây là đoàn khách caravan đi bằng hình thức ô tô tự lái, với 10 xe, khởi hành từ TP.HCM vào ngày 20.6 xuyên Việt trên đường Trường Sơn, ra Hà Nội để qua Trung Quốc tham quan.
Vụ 38 du khách Việt kẹt lũ ở Trung Quốc: Hành trình nguy hiểm 1
Đoàn khách đang ở Tây An, Trung Quốc - Ảnh: P.N
Trắc trở
Vào ngày 12.7, đoàn tới thị trấn Bích Khẩu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, thì bất ngờ biết thông tin lũ lụt gây sạt lở đường.
Hai con đường cao tốc lên Cửu Trại Câu, điểm đến có trong kế hoạch của đoàn, bị hư hỏng nặng không đi được. Do vậy, đoàn khách Việt chuyển qua đi bằng đường đèo, ngang thị trấn Bích Khẩu sau khi có tham khảo ý kiến của cảnh sát địa phương về độ an toàn khi tới Cửu Trại Câu bằng đường này. Tuy nhiên, khi đến Bích Khẩu, đoàn mới biết cung đường đèo này cũng bắt đầu bị kẹt do sạt lở núi và xe ủi phải dọn đất đá.
Vụ 38 du khách Việt kẹt lũ ở Trung Quốc: Hành trình nguy hiểm 2
Đoạn đường đèo lên Cửu Trại Câu bị sạt lở - Ảnh: P.N
Du khách Nguyễn Tiến Dũng, nhà ở Q.Tân Bình (TP.HCM), có mặt trong đoàn khách 38 người nói trên kể thêm: Khi cách Cửu Trại Câu khoảng 100 km, biết đường đèo sạt lở, đoàn quyết định ngủ lại một khách sạn ở Bích Khẩu vào đêm 12.7.
Đường đèo này, theo anh Dũng, chỉ có hai làn đường, một bên là vực sâu tiếp giáp với sông, còn một bên núi cao. Có đoạn đường gần như sạt lở hoàn toàn. Nhiều đoạn sạt lở hết một nửa con đường, rất nguy hiểm.
“Một đoàn xe 20 chiếc của Trung Quốc đi trước chúng tôi đã gặp rắc rối lớn khi vừa qua một đoạn đường thì phần đường phía sau sạt lở hoàn toàn, không thể quay lại được. Trong khi phần đường phía trước chưa thông”, anh Dũng cho hay.
Đoàn du khách Việt vẫn an toàn
“Ngày hôm sau, tức sáng 13.7, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường đi Cửu Trại Câu sau khi nghỉ một đêm ở Bích Khẩu nhưng đến khoảng 2 - 3 giờ chiều thì quyết định quay về vì đường chưa thông mà trời sắp tối nên rất nguy hiểm. Hơn nữa nếu lên được Cửu Trại Câu rồi ngày hôm sau quay về cũng chính con đường này thì chưa biết trước nguy hiểm sẽ như thế nào. Chúng tôi không chỉ có quyết định đúng mà còn rất kịp thời khi quay về Tây An mà không di chuyển tới Cửu Trại Câu”, anh Dũng tỏ vẻ vui mừng tiếp tục câu chuyện qua điện thoại.
Còn theo ông Cường, vào khoảng 10 giờ sáng hôm qua (13.7), cả đoàn tiếp tục hành trình nhưng do đường sạt lở nhiều nên phải chờ tới chiều. Cảnh sát địa phương khẳng định đường sẽ được thông nhanh chóng nhưng ông Cường nói tình hình có vẻ không an toàn nếu tiếp tục đi, vì thế đoàn đã quyết định bỏ chương trình Cửu Trại Câu, quay về Tây An.
“Tối qua (13.7), chúng tôi đã về Tây An an toàn và sáng nay tham quan lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Đoàn sẽ tiếp tục đi đúng lịch trình qua Trùng Khánh, Khải Lý, Nam Ninh, Bằng Tường, Hà Nội và kết thúc chương trình vào ngày 22.7 ở TP.HCM”, ông Cường cho biết.
Ông Cường, người trực tiếp dẫn đoàn khách này nói mình đã xử lý tình huống bằng cách thay đổi chương trình kịp thời để tránh bị mắc kẹt lâu hơn ở Bích Khẩu.
Tây An là điểm đến không nằm trong hành trình ban đầu, và cách Bích Khẩu tới 600 km. “Chúng tôi đi từ 3 giờ hôm qua và đến Tây An lúc 12 giờ đêm 13.7. Hiện giờ đoàn đã an toàn...", anh Dũng cho biết thêm. 
Theo ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành, Sở VH-TT-DL TP.HCM, trong trường hợp xảy ra sự cố, công ty du lịch cần thiết phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước ở cấp địa phương để nhận sự hỗ trợ kịp thời, đảm bảo an toàn cho du khách.
Trong luật Du lịch cũng quy định về vấn đề này. Khi nhận được thông tin, cơ quan quản lý sẽ nắm được tình hình vì nếu người dẫn đoàn và công ty không đủ khả năng, sở sẽ phối hợp xử lý. Bởi trong một vài trường hợp, do sự cố quá bất ngờ, người dẫn đoàn lúng túng dẫn tới quyết định sai lầm, ảnh hưởng đến an toàn của du khách.
Ông Chí cũng cho rằng, trong trường hợp của Nam Phương, quyết định thay đổi hành trình là hợp lý. Người dẫn đoàn là ông Cường cũng đã làm đúng quy trình khi trao đổi với du khách để có sự thống nhất thay đổi. Nhưng đôi khi, hành trình đến một nơi khác cũng có khả năng nguy hiểm bởi nếu không tìm hiểu kỹ, thì biết đâu từ Bích Khẩu về Tây An lại gặp lũ lụt, hay sự cố khác. Do đó, cần thiết công ty du lịch phải trao đổi với cơ quan quản lý để nhờ hỗ trợ nhằm có quyết định đúng khi cả đoàn khách ở một nơi xa lạ như Trung Quốc.
(Theo Thanh niên) N.Trần Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét