Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

08:00

Lãi suất ngân hàng-“thìa cháo” đến quá trễ?*


Vì sao ngân hàng ế vốn? Câu trả lời thường thấy trong thời gian qua là nền kinh tế, doanh nghiệp đã quá kiệt quệ, không còn khả năng hấp thụ vốn. Điều này không sai nhưng chưa đủ.

Vốn ế còn bởi lãi vay vẫn cao. Lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện đã xuống tới 5% nhưng lãi vay thực tế vẫn từ 9 - 14%.
Đặc biệt, số vốn vay có lãi suất dưới 10% rất khiêm tốn, chỉ 14% trong khi lãi vay từ 10 - 13% chiếm tới 50% trong tổng dư nợ, còn lại trên 13%. Các con số này cho thấy, chênh lệch giữa lãi vay và huy động quá lớn.
Cứ mỗi lần hạ lãi suất huy động, các ngân hàng (NH) tung ra gói vay lãi suất ưu đãi như một minh chứng về việc "đầu ra có giảm". Nhưng thực tế, các ưu đãi luôn rất ngắn, chỉ 1- 2- 3 tháng trong khi việc đầu tư của doanh nghiệp thì dài hạn, nên không ít doanh nghiệp dù chẳng yếu đến mức "không thể hấp thụ được vốn", cũng chẳng dám vay. Hạ trần huy động, cuối cùng cũng chỉ khiến người gửi tiền bị mất thêm một phần quyền lợi mà hầu như không có tác động gì đến lãi suất đầu ra. Đến thời điểm này, thay vì hối thúc các NH thương mại đẩy mạnh cho vay để đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay, có lẽ cơ quan quản lý nên hỏi doanh nghiệp tại sao họ lại chê vốn của NH.
Các NH đều khẳng định, họ đang bí đầu ra và tìm mọi cách để cho vay, đến mức việc tiếp thị cho vay vốn đã len lỏi cả vào buồng ATM, dán trên cột điện, gốc cây, tờ rơi... như nhiều báo đã thông tin. Vậy tại sao các NH vẫn không chịu giảm lãi vay? Vì lãi suất huy động trung bình của một số NH vẫn ở mức cao do vượt trần trước đó nên dù muốn, cũng không thể hạ lãi đầu ra. NH lại bị vướng bởi nợ xấu, có NH thì sợ nợ xấu nên nâng chuẩn vay cao hơn... Đây là hệ quả tất yếu của việc chính sách không gắn liền với thực tế, sử dụng công cụ hành chính quá nhiều và kéo dài của NHNN trong suốt mấy năm qua.
Lãi suất một lần nữa, lại đi vào vòng luẩn quẩn, NH ế vốn nhưng không thể hạ lãi suất, doanh nghiệp cần vốn nhưng không dám vay và kết quả là sự trì trệ của cả nền kinh tế. Đáng nói là dư địa giảm lãi suất đã hết, bởi lãi suất huy động và lạm phát đều đang ở mức khoảng 7%. Việc áp trần một đầu tạo ra sự thiếu công bằng  và phá bỏ các chuẩn mực của thị trường.
Còn nếu cứ để như hiện tại, vốn của các NH thương mại chỉ còn "cửa" mua trái phiếu Chính phủ để tăng trưởng mà thôi.
(Theo Thanh niên) Nguyên Khanh
* Những năm 2010, 2011 khi nhiều doanh nghiệp lao đao bên bờ vực phá sản bởi làm không đủ trả lãi ngân hàng, các chuyên gia đã cảnh báo hệ thống ngân hàng sẽ “chết theo” doanh nghệp. Lúc đó chẳng NH nào thèm để ý. Nay thì chuyện gì phải đến đã đến. Đúng là “thìa cháo” cho người ốm không đúng lúc đôi khi còn gây “sặc” mà chết nhanh hơn!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét