07:07
Có thể
giảm hối lộ?
TT
- Ở VN, nhiều người cho rằng hối lộ biểu lộ sự biết ơn, tình cảm chân thành
và hối lộ cũng đã trở nên quen thuộc và phổ biến như một nét “văn hóa”?!
Minh bạch các
thủ tục hành chính sẽ giúp giảm hối lộ. Trong ảnh: người dân đến thực hiện
các thủ tục về giấy tờ nhà đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM
- Ảnh: Thanh Đạm
Còn theo định nghĩa của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), hối lộ
được hiểu là việc biếu, tặng, hứa, cho, nhận hoặc gạ gẫm một khoản lợi nào đó
để đổi lại một hành động bất hợp pháp, phi đạo đức hoặc làm mất lòng tin. Các
khoản hối lộ có thể dưới dạng quà tặng, khoản vay, khoản phí, phần thưởng
hoặc các lợi thế về thuế hay dịch vụ... Có thể hiểu hối lộ như một loại giao
dịch mua bán, bao gồm cả hành vi đưa, nhận và môi giới hối lộ, với động cơ
chính là vụ lợi. Bởi gắn với lợi ích cá nhân và lòng tham của con người, hối
lộ tồn tại ở mọi nơi trên thế giới, ở cả các nước phát triển, đang phát triển
hay kém phát triển.
Hối lộ nấp sau
vỏ “văn hóa”
Trong thực tế ở VN, đúng là không dễ phân biệt một món quà tặng
hay quà biếu xuất phát từ tấm lòng với một món hối lộ. Người VN có thể
tặng/biếu quà cho nhau vào bất cứ dịp nào, với vô số lý do khác nhau: ngày
lễ, tết; sinh nhật, đám cưới; chia vui, chia buồn; cảm ơn hoặc làm từ
thiện... Động cơ vụ lợi của hối lộ, do đó, có thể dễ dàng được giấu giếm đằng
sau những lý do và hành động tưởng chừng hết sức chính đáng và tốt đẹp.
Mặc dù theo pháp luật VN, việc đưa và nhận hối lộ đều bị coi là
phạm pháp nhưng khác với hành vi nhận hối lộ (luôn vì những lợi ích bất hợp
pháp), hành vi đưa hối lộ lại có thể có nhiều lý do khác nhau, có thể vì cả
những lợi ích hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Kết quả khảo sát Phong vũ biểu tham
nhũng toàn cầu 2013 của TI cho thấy trong khi 24% người VN coi hối lộ như là
một món quà hoặc để bày tỏ lòng biết ơn với người khác, thì 26% cho rằng đưa
hối lộ là cách duy nhất để được việc và có tới 41% hối lộ để đẩy nhanh tiến
độ công việc.
Có thể thấy trong nhiều trường hợp hối lộ được sử dụng như một
phương thức “bôi trơn”, khi lợi ích chính đáng và hợp pháp của người dân bị
cản trở bởi hệ thống các thủ tục phức tạp, phiền hà và những cán bộ lợi dụng
chức vụ, quyền hạn cũng như những thủ tục phiền hà đó để nhũng nhiễu. Nạn hối
lộ đã và đang phá hỏng hệ thống cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là những
ngành mà người dân phải tiếp xúc nhiều và thường xuyên như giao thông, y tế,
giáo dục, đất đai... Theo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp
tỉnh ở VN (PAPI) 2012, với gần 14.000 người được phỏng vấn, tình trạng hối lộ
có xu hướng gia tăng ở VN. Số người cho rằng phải hối lộ mới được chăm sóc y
tế và xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng với tỉ lệ tương ứng từ
31% lên 42% và từ 21% lên 32%, so với năm 2011.
Từ chối đưa hối
lộ và tăng cường phòng chống
Khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013 của TI cũng cho
thấy đa số người VN tin rằng tham nhũng trong nước đang gia tăng (55%) và hối
lộ - như một hành vi điển hình của tệ nạn tham nhũng - đang dần làm xói mòn
niềm tin của người dân vào các nỗ lực phòng chống tham nhũng của Nhà nước.
Đáng lo ngại nhất là nó đang dần trở nên bình thường, thành thói
quen “nhận” của giới có chức có quyền và “đưa” của những người dân bình
thường và có vẻ như thói quen này đang dần làm suy giảm sức “phản kháng” đối
với tham nhũng của người dân VN. Khảo sát 2013 của TI cho thấy trong số những
người từng bị đòi đưa hối lộ ở VN, chỉ có 27% từng từ chối không đưa, thấp
hơn nhiều so với các nước lân cận như Indoneisa (71%) và Malaysia (52%), cũng
như thấp hơn tỉ lệ trung bình từ chối đưa hối lộ trong khu vực Đông Nam Á
(48%).
Không hối lộ,
được không?
Theo kết quả khảo sát của Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013,
có đến 77% những người từng từ chối đưa hối lộ cho biết họ không gặp phải vấn
đề gì rắc rối hoặc có gặp vấn đề nhưng chủ yếu là phải kéo dài thời gian chờ
đợi giải quyết công việc chứ không phải bị đe dọa hay trả đũa. Hối lộ có thể
giảm nếu mỗi người dân kiên quyết chấm dứt đưa hoặc từ chối đưa hối lộ. Điều
đó cũng đồng nghĩa với việc người dân cần ý thức rõ hơn quyền và trách nhiệm
của mình khi tiếp xúc với các cơ quan công quyền cũng như hậu quả hay tác
động của hành vi đưa hối lộ.
Tuy nhiên, chống hối lộ không chỉ từ phía người đưa hối lộ, mà
một điều hết sức quan trọng là phải tập trung vào các đối tượng nhận hối lộ
để có thể triệt tiêu dần các cơ hội và hành vi nhận hối lộ. Tiếp tục đẩy mạnh
cải cách thủ tục hành chính, xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công, xóa bỏ cơ chế
xin-cho, tăng cường giám sát các hoạt động cung cấp dịch vụ công và tổ chức
các chiến dịch công khai, rộng rãi chống hối lộ chính là những giải pháp cơ
bản có thể giúp giảm hối lộ nói riêng và góp phần giảm tham nhũng nói chung
trong xã hội.
(Theo Tuổi trẻ)
ĐÀO NGA
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét