16:24
Trách nhiệm Thủ tướng chỉ là bước đầu
Một nhà quan sát từ trong nước cho rằng việc xác định trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng chỉ mới là bước đầu và là một bước đi khiêm tốn về xác định trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo chính quyền, nhà nước.
Trao đổi với BBC hôm 18/5/2013 từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng về nguyên tắc bất cứ ai ra quyết định đều phải chịu trách nhiệm cá nhân, từ tài chính cho tới cả hình sự.
Nguyên thành viên Ban tư Vấn của Thủ tướng Chính phủ nói: “Xác định trách nhiệm cá nhân cần phải được xác định cho mỗi một người có liên quan đến quyền lực. Bất cứ một người nào, lớn hay nhỏ, có nhận quyền lực, ông Chủ tịch xã cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân…
“Tôi nghĩ rằng việc xác định của ông Thủ tướng mới là bước đầu, và là bước tiến có tính chất khiêm tốn, để tiến tới xác định trách nhiệm cá nhân, nhưng về nguyên tắc, ai có quyền quyết định, người đó phải chịu trách nhiệm.
“Chịu trách nhiệm cá nhân về mặt tài chính, về mặt hành chính và nếu như có sai phạm, thì chịu trách nhiệm cả về mặt hình sự để Tòa án có thể phán xét.”
Cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đây là những vấn đề mà nền hành chính và thể chế, bộ máy của Việt Nam cần có những quy định kịp thời để xử lý.
TS Lê Đăng Doanh
Tiến sỹ Doanh nhấn mạnh yếu tố quyết định để Việt Nam chuyển đổi thành công từ một quốc gia nghèo, thu nhập thấp, sang một quốc gia có thu nhập trung bình và đi tới khá giả phụ thuộc rất lớn vào việc bộ máy chính quyền trong sạch, hiệu quả và được giám sát.
Ông đặt kỳ vọng vào việc giải quyết vấn đề trong dịp Việt Nam sắp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này. Ông nêu câu hỏi:
“Bây giờ việc sửa đổi Hiến pháp có thể hiện được và rút ra để sửa đổi, bổ sung, những vấn đề đang rất thời sự trong việc thể chế của Việt Nam hay không?
“Và chúng ta biết rằng một nền kinh tế có thể chuyển từ một nền kinh tế nghèo lên nền kinh tế thu nhập trung bình, rồi lên thu nhập cao, chủ yếu nhờ vào bộ máy thể chế.
“Bộ máy phải trong sạch, phải có hiệu quả, phải được giám sát và phải tránh hình thành những lợi ích nhóm, lạm dụng chức quyền tham nhũng.”
Nhà phân tích cho rằng đây là những tật bệnh mà Việt Nam vừa qua đã phát hiện và kỳ vọng cuộc sửa đổi Hiến pháp sẽ diễn ra kịp thời để bổ sung, đáp ứng được những yêu cầu thay đổi mà xã hội Việt Nam đang mong đợi.
‘Vì sao cần kiểm soát?’
Một nhà quan sát khác ở trong nước, thuộc thế hệ trẻ hơn, đưa ra gợi ý tham khảo về việc vì sao cần có sự kiểm soát quyền lực nhà nước và chính quyền.
Không chỉ đòi trách nhiệm ở Thủ tướng.
Làm sao để kiểm soát quyền lực của Thủ tướng và Chính phủ một cách có thực chất, không nói suông và nên bắt đầu từ đâu, với ai?
Trả lời BBC từ Sài Gòn, nhà báo Hồng Ngọc, cựu Trưởng Ban Kinh tế của tờ báo Điện tử VietnamNet bình luận:
“Trong các nguyên tắc của chính trị học hiện đại, quyền lực chỉ có thể được kiểm soát bởi quyền lực, trên nguyên tắc độc lập và cân xứng. Với hầu hết các xã hội, ba nhánh quyền lực cơ bản là lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Nó độc lập với nhau và kiểm soát lẫn nhau, dựa trên việc thể chế hóa quy trình hoạt động của từng cơ quan quyền lực.
“Chính phủ, đứng đầu bởi Thủ tướng hoặc đôi khi là Tổng thống, về cơ bản, bị kiểm soát bởi hệ thống tư pháp độc lập trong việc hành pháp đúng khuôn khổ pháp luật. Nếu tham nhũng hay lạm quyền thì sẽ bị tư pháp luận tội.
Tuy nhiên nguyên tắc này chưa được hoặc khó được áp dụng ở Việt Nam, theo cây bút phân tích này, có lý do chính sau:
“Chính phủ cũng bị kiểm soát bởi cơ quan lập pháp độc lập (quốc hội hay nghị viện) trong việc xây dựng chính sách, kế hoạch và chi tiêu ngân sách… Vấn đề đối với Việt Nam hiện tại là cơ quan tư pháp chưa độc lập.
“Quốc hội về nguyên tắc là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng tình trạng hầu hết đại biểu quốc hội hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm với các chức danh trong chính phủ hoặc chính quyền địa phương, và về nguyên tắc thì không thể trông đợi sự “độc lập” trong các quyết định của các đại biểu quốc hội như vậy.”
‘Giải pháp cụ thể’”
Hồng Ngọc – cựu Trưởng Ban Kinh tế báo VietnamNet
Khi được hỏi cần có giải pháp nào cụ thể để giải quyết được mối quan hệ giữa xác định trách nhiệm cá nhân lãnh đạo và cơ chế quyền lực lãnh đạo vận hành theo nhiệm kỳ, bên cạnh cơ chế ‘quyết định tập thể’ khá phổ biến ở trong nước lâu nay, Tiến sỹ Doanh nói:
“Việt Nam bây giờ cần phải nhìn vào thực tế để đảm bảo rằng Đảng ra nghị quyết, thì trách nhiệm của Đảng đối với việc đó như thế nào, ai chịu trách nhiệm về nghị quyết đó và nghị quyết đó có hiệu lực pháp lý đến đâu?
“Nếu Quốc hội ra nghị quyết thì Quốc hội chịu trách nhiệm như thế nào và nếu Chính phủ ra nghị quyết và quyết định, thì Chính phủ chịu trách nhiệm đến đâu? Chứ cho đến nay, hiệu lực pháp lý và vị thế của nghị quyết của Đảng là cao nhất, nhưng trách nhiệm thì không rõ. Đấy là vấn đề mà chúng ta cần xem xét.”
Gần đây, nhiều ý kiến trong cộng đồng và các giới trong nước phản ánh Việt Nam vẫn còn tình trạng khá phổ biến các hành vi chối tội, trốn tội, thoái thác trách nhiệm của các quan chức cầm quyền, lãnh đạo ở nhiều cấp trong lúc mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo với cơ chế nhiệm kỳ và lãnh đạo tập thể còn chưa tường minh.
Bình luận về giải pháp xử lý vấn đề này, nhà báo Hồng Ngọc gợi ý:
“Để tránh chối tội, trốn tội thì lại phải quay về với các phương thức kiểm soát quyền lực cơ bản. Đó là tư pháp độc lập. Quốc hội cũng phải độc lập, với nguyên tắc mọi đại biểu quốc hội – hoặc ít nhất là đa số ¾ – phải là đại biểu chuyên trách, không phải là cấp dưới của Chính phủ.
“Nếu Quốc hội có thẩm quyền bầu ra Thủ tướng, và xét duyệt các thành viên Chính phủ, thì Quốc hội cũng phải có quyền bãi miễn Thủ tướng Chính phủ trước thời hạn. Các thành viên chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, còn Thủ tướng chịu trách nhiệm tuyệt đối trước Quốc hội.
‘Báo cáo trước dân’
Hôm 17/5, một quan chức thuộc Bộ Tư pháp của Việt Nam đã trao đổi với truyền thông trong nước tại một cuộc họp báo về kết quả chính quyền lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
”
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên
Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ này cho biết một trong các nội dung được Quốc hội và chính quyền tiếp thu là kiến nghị nêu trong chương 7 về tổ chức và trách nhiệm của Chính phủ. Về tăng cường trách nhiệm cá nhân các thành viên Nội các, ông Liên được báo chí trong nước trích lời nói:
“Thủ tướng có trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình trước nhân dân và các bộ trưởng cũng vậy.”
Chủ đề về xác định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu Chính phủ đã không ít lần được các giới và các Đại biểu Quốc hội đề cập qua các khóa gần đây.
Trong một phiên họp Quốc hội khóa hiện nay, Đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra gợi ý với Thủ tướng về văn hóa từ chức khi người lãnh đạo trong bộ máy chính phủ và nội các không hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ được giao phó, hoặc gây ra các sai phạm nghiêm trọng.
Trước đó, cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã từng đề nghị đình chỉ chức vụ lãnh đạo Chính phủ và những ai có trách nhiệm liên đới trong vụ việc Tập đoàn công nghiệp đóng tàu biển của Việt Nam Vinashin bị thua lỗ, thất thoát vốn lớn và rơi vào bờ vực phá sản.
Gần đây, Thủ tướng Việt Nam đã ngỏ lời xin lỗi trước các Đại biểu và nhân dân về các hạn chế, khuyết điểm và bất cập của nội các của ông, nhắc lại việc ông chịu trách nhiệm chính trị trước các quyết định, nhưng không có ý kiến hay động thái gì cho thấy ông sẽ từ chức hoặc tiếp thu, thi hành văn hóa từ chức như được Đại biểu Quốc hội gợi ý.
Trong Hội nghị Trung ương 7 vừa bế mạc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, hai quan chức cao cấp miền Nam đã được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, một trong hai vị trí là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ cấu vào nội các của mình ngay từ nhiệm kỳ đầu
Theo BBC
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét