Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013


07:41

Phí quốc lộ bằng phí đường cao tốc?

Theo nhiều chuyên gia, mức thu phí dự kiến trên QL1 mở rộng là bất hợp lý khi đang được xác định như mức thu bình quân với đường cao tốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường, việc cho phép các nhà đầu tư (NĐT) BOT dự án mở rộng QL1 được thu phí với mức bằng 3,5 lần mức hiện tại là đã dựa trên sự tham khảo các nước khác. “Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều đề án BOT của thế giới như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc hay Mỹ. Năm 2010, các nước tính bình quân 5 cent/xe tiêu chuẩn - PCU/km, tức khoảng 1.000 đồng/PCU/km. Mức thu của chúng ta hiện nay là trung bình so với các nước trong khu vực”.
Phí quốc lộ bằng phí đường cao tốc?
Mức thu phí trên QL1 sau khi mở rộng sẽ gấp 3,5 lần mức thu hiện nay - Ảnh: Như Thảo
 
Đó là mức thu với đường cao tốc của thế giới, tiêu chuẩn làm một con đường cao tốc hoàn toàn mới thì mới thu ở mức này
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright), mức đảm bảo hoàn vốn 1.000 đồng/PCU/km với mức thu tối đa trong 25 năm là mức thu của thế giới và khuyến nghị của các nhà tài trợ đa phương. “Đó là mức thu với đường cao tốc của thế giới, tiêu chuẩn làm một con đường cao tốc hoàn toàn mới thì mới thu ở mức này”, ông Thành nói. Trong khi đó QL1 mở rộng không phải tiêu chuẩn đường cao tốc, mức đầu tư và suất đầu tư thấp hơn rất nhiều. Theo tiêu chuẩn đã được công bố, phần lớn các đoạn tuyến đều dựa trên cốt đường cũ, chỉ mở rộng từ 2 làn xe sang 4 làn cơ giới, thậm chí có dự án chỉ là cải tạo, nâng cấp mặt đường sẵn có.
Trên thực tế, các đoạn tuyến mở rộng QL1 có chiều dài khá ngắn, khoảng 20 - 50 km tùy đoạn, với việc có thể được áp mức thu gấp 3,5 lần hiện nay (thấp nhất khoảng 35.000 đồng/xe dưới 12 chỗ), thì mức thu tại một số dự án có chiều dài ngắn thậm chí còn lên khoảng 1.200 đồng/PCU/km (mức thu tại cao tốc Sài Gòn - Trung Lương là 1.000 đồng/PCU/km).
“Với từng đoạn tuyến, suất đầu tư thay đổi do địa hình khác nhau, cũng như chi phí đền bù giải tỏa, phải xây cầu khác nhau. Dựa trên tổng mức đầu tư, dự báo lượng xe, thời gian thu hoàn vốn, mức thu phí điều chỉnh theo thời gian cũng như lãi vay mới tính ra suất sinh lợi cho NĐT là bao nhiêu”, ông Thành phân tích. Ông Thành cũng cho rằng, “thông tin NĐT dựa vào vốn vay bao nhiêu, bỏ ra bao nhiêu vốn cũng cần được công khai. Cơ quan quản lý phải đảm bảo cho NĐT suất đầu tư hợp lý, nhưng chỉ tính trên vốn chủ sở hữu của NĐT, chứ không phải xét trên vốn vay”.
Bộ GTVT lo bị nhà thầu đòi bồi thường
Trong một diễn biến khác, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với UBND TP.Hà Nội sáng 4.4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã hối thúc UBND TP.Hà Nội cần nhanh chóng giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng đối với các gói thầu 1, 2 của dự án đường Nhật Tân - Nội Bài vì lo bị nhà thầu nước ngoài đòi bồi thường. “Dù việc bồi thường cho nhà thầu do chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng là chưa có tiền lệ song rất khó để giải thích cho nhà thầu nước ngoài và ảnh hưởng đến quan hệ song phương hai nước”, ông Trường nói. Trước đó, tại gói thầu số 3, dự án cầu Nhật Tân, nhà thầu Tokyu, nhà thầu chính phụ trách thi công đường dẫn lên cầu Nhật Tân của Nhật Bản đã yêu cầu phía Bộ thanh toán 200 tỉ đồng chi phí phát sinh vì phía Việt Nam chậm tiến độ trong việc giải phóng mặt bằng 1,5 năm.
Ông Trường cũng đề nghị UBND TP kiểm điểm, đánh giá các đơn vị của TP trong việc chậm trễ triển khai dự án cao tốc Nhật Tân - Nội Bài, quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (tháng 6 theo yêu cầu phải thông xe). Bởi các dự án này đã có tới 3 kỳ họp, bắt đầu từ giữa tháng 6.2012 mà tới nay vẫn có những vấn đề còn giữ nguyên trạng như kỳ họp trước.
(Theo TNO) Mai Hà 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét