Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013


06:56
'Chống tham nhũng không tới sẽ bị 'đánh trả'

TPO – “Nếu công cuộc chống tham nhũng không được làm tới nơi tới chốn, có nguy cơ sẽ bị đánh trả”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói.
Ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định tái lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương, bổ nhiệm người đứng đầu, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề rất được quan tâm này.
Chống tham nhũng phải có thực quyền
Thưa ông, thời điểm tái lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương có ý nghĩa như thế nào?
Luật sư Trần Quốc Thuận: Việc tái lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương là thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và Trung ương 6, khóa XI.
Lập lại Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính; đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tóm lại, có thể nói việc tái lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương là một bước thực hiện nguyên tắc “đã giao quyền lực thì phải kiểm soát quyền lực”.
Theo quan điểm của ông, Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương cần tổ chức, hoạt động ra sao để đạt hiệu quả cao nhất?
Luật sư Trần Quốc Thuận: Theo thông tin từ báo chí, đã có Quyết định số 159-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương; Quyết định số 161-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương. Nhưng, tôi chưa nắm được thông tin cụ thể của các quyết định này. Với Ban Kinh tế Trung ương, tôi không có nhiều hiểu biết so với Ban Nội chính Trung ương.
Bằng kinh nghiệm công tác từ khi còn là Thẩm phán tại TAND TPHCM (từ năm 1983) cho tới 14 năm làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội (từ năm 1994 – 2008), theo tôi, để đạt hiệu quả cao nhất, hai Ban này cần có vị trí độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật với nhiệm vụ của mình.
Ví dụ, Ban Nội chính Trung ương cần có thẩm quyền tham gia vào các ban chỉ đạo, khởi tố, đôn đốc điều tra các vụ án trọng điểm. Ban Nội chính cũng cần có thực quyền đối với các Ban tương ứng trực thuộc Chính phủ, Quốc hội. Chỉ có như vậy, Ban Nội chính Trung ương mới đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng.
Việc lựa chọn nhân sự cho bộ máy hoạt động của Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương nên như thế nào, thưa ông?


Luật sư Trần Quốc Thuận: Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương cần được giao cho những người am hiểu về pháp luật, am hiểu chuyên môn sâu sắc, có kinh nghiệm thực tiễn, dám nghĩ, dám làm. Nếu không họ sẽ rất khó trong việc tham mưu "gác gôn, thổi còi".
Liệu việc lập lại Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương lần này có tạo ra sự chồng chéo, lấn sân trong hoạt động với các cơ quan khác có cùng chức năng, nhiệm vụ thuộc Quốc hội, Chính phủ?
Luật sư Trần Quốc Thuận: Như chúng ta đã biết, các cơ quan của Đảng ra nghị quyết, đường lối, Chính phủ thực hiện, Quốc hội là cơ quan giám sát, đại diện ý kiến nhân dân. Mỗi cơ quan có một góc độ làm việc khác nhau.
Việc có chồng chéo hay không giữa các ban, ủy ban, bộ ngành đã được bàn từ trước. Chính vì vậy, Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương đã chuyển thành các vụ, tổ trực thuộc Văn phòng Trung ương Đảng.
Dù đã có quyết định tái lập nhưng nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương chưa được công khai. Vì vậy, chưa thể đánh giá vai trò thực tế của hai ban này. Theo tôi, quan trọng là các ban này có thực quyền hay không?
Cá nhân ông cảm nhận thế nào về ông Nguyễn Bá Thanh trong vai trò Trưởng Ban nội chính Trung ương và ông Vương Đình Huệ trên cương vị Trưởng Ban Kinh tế Trung ương?
Luật sư Trần Quốc Thuận: Ông Nguyễn Bá Thanh là nhân vật được nhiều người nhắc đến, như một nhà cải cách. Ông ấy là con người hành động, năng nổ, dám nghĩ, dám làm. Ông đã đưa Đà Nẵng trở thành đầu tàu phát triển của cả miền Trung, một thành phố năng động.
Ông Vương Đình Huệ trước đây là Tổng kiểm toán Nhà nước, sau đó Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông Huệ là người có kinh nghiệm kiểm toán, tài chính lại am hiểu kinh tế, tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy trong quá trình làm việc ông Huệ có nhiều thành tựu nổi bật. Vì vậy, tôi cũng đang chờ đợi hành động của hai ông.
"Đánh trả' nếu làm không tới nơi tới chốn
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định chống tham nhũng chính là chống giặc nội xâm, trên mặt trận này ông đánh giá thế nào về tình thế hiện nay giữa "ta" và "giặc"?
Luật sư Trần Quốc Thuận: Trước kia, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, tham nhũng là giặc nội xâm. Hiện nay, chúng ta gọi tên tham nhũng bằng những cụm từ như “suy thoái tư tưởng” “tệ nạn tham nhũng”, “vấn nạn tham nhũng”...
Theo tôi, đã xác định là giặc nội xâm thì không thể chỉ chống bằng “phê và tự phê”, không thể chống tham nhũng theo kiểu đóng cửa hô hào, mà còn phải có quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất, đồng thời tiến hành quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ khác mới mong có kết quả tích cực.
Muốn đánh "giặc" tham nhũng, chúng ta phải sử dụng lực lượng, vũ khí, cách đánh cụ thể. Lực lượng đó chính là nhân dân, vũ khí là công luận, là sự công khai minh bạch, cần có dũng khí dám công khai cả những sai lầm, khuyết điểm. Nói cách khác, muốn chống tham nhũng phải dựa vào dân, đứng về phía nhân dân.
Qua kinh nghiệm 14 năm làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, vừa là luật sư, ông nhận xét thế nào về nỗ lực chống tham nhũng hiện nay? Ông có niềm tin gì với công cuộc chống tham nhũng?
Luật sư Trần Quốc Thuận: Việc chống tham nhũng, chống lãng phí, nghị quyết của Đảng rất nhiều, pháp luật cũng khá đầy đủ. Từ nghị quyết Trung ương 4 tới nghị quyết Trung ương 6 vẫn tiếp tục chỉ ra “nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm”. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa được như mong đợi.
Nếu chống tham nhũng không được công khai minh bạch, người dân không biết sẽ không mang lại hiệu quả. Bởi, chống tham nhũng không phải công việc của riêng ai.
Theo tôi, cái thiếu lớn nhất trong việc chống tham nhũng là tính độc lập của tư pháp và sự can dự tích cực của cơ quan công luận. Nếu công cuộc chống tham nhũng không được làm tới nơi tới chốn, có nguy cơ sẽ bị “đánh trả”. Bởi, có thể người dân sẽ đi từ sự tin tưởng công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng tới sự hụt hẫng, tới mất niềm tin nếu chúng ta không quyết liệt, triệt để.
Tôi không dùng từ niềm tin mà là hi vọng. Theo tôi, chống tham nhũng là công việc đồng bộ, cần song hành cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, từ Đại hội X tới Đại hội XI, vấn đề cải cách hệ thống chính trị dường như chưa có lộ trình cụ thể.
Cải cách hệ thống chính trị sẽ tiếp thêm hy vọng cho công cuộc chống tham nhũng. Nhưng trước tiên, Đảng cần thực hiện những gì mà nghị quyết Đại hội XI đã đề ra, cần làm tới nơi tới chốn chứ không dừng lại ở những khẩu hiệu.
Xin cảm ơn ông.
(Theo Tiền phong) N.C.Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét