Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012


15:48
Hồi ức “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”:

Lối thoát cho cuộc chiến tranh hao người tốn của và phi nghĩa


ANTĐ - Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội đã khiến cả thế giới khâm phục. Thất bại trong ý đồ dùng quân sự để gây sức ép trên bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 29-12-1972, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra và trở lại cuộc đàm phán tại Paris, tìm lối thoát khỏi cuộc chiến tranh hao người tốn của và phi nghĩa.

Cuộc hòa đàm gay cấn và kéo dài kỉ lục

Ông Trịnh Ngọc Thái là một trong những thành viên của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Paris từ 1968-1973. Ông cũng một cán bộ ngoại giao có thâm niên; từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Pháp. Vào dịp kỉ niệm 40 năm “Điện Biên Phủ trên không”, ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi với những góc nhìn đa chiều, có tính tổng kết về thắng lợi quân sự nói chung và “Điện Biên Phủ trên không” nói riêng, đã tác động tới cuộc đàm phán kí kết Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Nằm trong chiến lược toàn cầu của Washington, sau Hiệp định Geneva (năm 1954) về Đông Dương, Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Việt Nam và từng bước đưa quân trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Lúc cao điểm, có tới hơn nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu tham chiến. Từ tháng 8-1964, sau khi tạo ra “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, không quân, hải quân Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc nước ta. Tuy nhiên, với sự kiên cường của quân và dân Việt Nam, Mỹ - Nguỵ và đồng minh của họ ngày càng bị sa lầy; cùng với sự phản đối của dư luận trong nước và quốc tế, Mỹ buộc phải tính tới việc đàm phán, rút quân khỏi Việt Nam. Đầu năm 1967, Tổng thống Johnson gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vấn đề “đàm phán không điều kiện”. Ngày 15-2-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ, khẳng định: “Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hoà bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược…Trong thư, ngài có đề ý kiến Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ trực tiếp nói chuyện. Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…”.

Sau thắng lợi xuân Mậu Thân của quân và dân ta, cuối tháng 3-1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và hai bên đạt được thoả thuận đàm phán tại Paris, Thủ đô nước Pháp. Từ trung tuần tháng 5-1968, Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gặp nhau tại Paris, bắt đầu cuộc hoà đàm gay cấn và kéo dài hiếm có trong lịch sử ngoại giao thế giới.

Sau mấy năm kiên trì đàm phán, nhờ những thắng lợi quân sự quan trọng trên chiến trường cả nước, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  giành được thế chủ động trên bàn Hội nghị Paris. Đến tháng 10-1972, Việt Nam và Mỹ đã đạt được bản Dự thảo Hiệp định, với những nội dung cơ bản: Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu; triệt thoái hết các các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam; Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do; Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và 3 lực lượng chính trị…

Cựu Đại sứ Trịnh Ngọc Thái phân tích: Với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đây là những mục tiêu cơ bản đặt ra trong quá trình đàm phán. Theo những nội dung trên, sẽ tạo ra sự thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Quân Mỹ rút hết, quân Nguỵ không còn chỗ “chống lưng”, trong khi lực lượng ta vẫn giữ nguyên tại chỗ. Khác hẳn Hiệp định Geneva năm 1954, quân Pháp rút đi thì lực lượng kháng chiến cũng phải rút về phía Bắc vĩ tuyến 17. Đây là điều Mỹ không muốn và tất nhiên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng không chấp nhận.

Sau khi đạt được nội dung cơ bản Dự thảo Hiệp định, Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thống nhất lịch trình ký chính thức là ngày 25 hoặc 26-10-1972… Tuy nhiên, là một đế quốc hùng mạnh, Mỹ không dễ dàng chấp nhận thua thiệt trong đàm phán và cũng không muốn “bỏ rơi” chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Họ tìm cớ trì hoãn việc kí kết bằng cách đưa ra những đòi hỏi khó chấp nhận đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Đến ngày 20-11-1972, cố vấn H.Kissinger đề nghị sửa đổi 69 điểm trong bản Dự thảo Hiệp định, theo yêu cầu của chính quyền Thiệu, trong đó có đòi hỏi quân đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Những ngày sau H.Kissinger liên tiếp đưa ra những đòi hỏi vô lí và ngày
23-11-1972, khi gặp Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, ông ta đã đọc bức điện của Tổng thống Nixon ngầm đe doạ ngừng đàm phán, ném bom trở lại… Tuy nhiên đồng chí Lê Đức Thọ đã khảng khái đáp lại: “Chúng tôi đã đánh nhau với các ông mười mấy năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết; không thể đe doạ chúng tôi được đâu”.


Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Nguyễn Duy Trinh 
(ngoài cùng bên phải) ký Hiệp định Paris 

Hiệu ứng “Điện Biên Phủ trên không”

Là thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Paris, ông Trịnh Ngọc Thái khẳng định: “Ngoại giao của ta có nhiều thành tựu, có nghệ thuật đàm phán nhưng phải khẳng định, thắng lợi về quân sự mới quyết định kết quả đàm phán. Thắng lợi ngoại giao là sự phát huy những kết quả của thắng lợi trên chiến trường… Sau khi đàm phán bế tắc vào phút chót, H.Kissinger trở về Mỹ và đồng chí Lê Đức Thọ cũng về Hà Nội. Anh Xuân Thuỷ và chúng tôi ở lại Paris, nóng lòng chờ nối lại đàm phán”.

Về phía Mỹ, sau khi đã tái cử thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 11-1972, Tổng thống Nixon đã ra một quyết định phiêu lưu là dùng B52 tàn phá Hà Nội, nhằm ép phía ta phải ký Hiệp định theo những điều khoản có lợi cho Mỹ - Thiệu. Lúc 14h ngày 18-12-1972 (giờ Paris), Mỹ gửi cho đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pháp một công hàm đề nghị sau ngày 26-12-1972, hai bên có thể nối lại đàm phán vào bất cứ lúc nào. Phía ta vừa nhận được công hàm thì cũng là lúc hàng chục pháo đài bay B52 và nhiều loại máy bay tiêm kích, cường kích xuất phát từ các căn cứ quân sự của Mỹ bay vào vùng trời Việt Nam, dội mưa bom xuống Hà Nội, Hải Phòng. Cả nhân loại tiến bộ phẫn nộ, lên án sự tráo trở, lật lọng của Mỹ. Các thành viên phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Paris hồi hộp dõi theo từng bản tin chiến sự trên các phương tiện truyền thông. Mỗi khi nhận được tin máy bay Mỹ bị bắn cháy, nhất là B52 rơi tại chỗ, họ lâng lâng trong niềm tự hào, vui sướng khó tả. Đến khi báo chí phương Tây nhận định: “Cứ với tốc độ này, B52 sẽ bị tuyệt chủng trong 3 tháng nữa” thì các nhà ngoại giao của ta hiểu rằng, Mỹ sẽ sớm phải trở lại bàn đàm phán.

Đúng như dự đoán, ngày 29-12-1972, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 ra Bắc và đề nghị Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nối lại đàm phán. Trở lại Paris, trong cuộc họp với phía Mỹ, ngày 8-1-1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đã nghiêm khắc lên án phía Mỹ gây ra đợt ném bom huỷ diệt trong mùa Noel năm 1972… Sau gần 3 tháng nối lại đàm phán, ngày 23-1-1973, hai bên đạt được thoả thuận cuối cùng và ký tắt Hiệp định và 4 Nghị định thư. Bốn ngoại trưởng của bốn bên, gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà đã kí chính thức Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973.

Với thắng lợi của “Điện Biên Phủ trên không”, Hiệp định Paris được ký kết, có nội dung về cơ bản không khác nhiều so với bản Dự thảo Hiệp định đạt được trong tháng 10-1972. Việt Nam đã bảo vệ được các nguyên tắc cơ bản: Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân trong 2 tháng sau khi ký Hiệp định; Giữ nguyên trạng về chính trị; hoàn toàn không đề cập vấn đề quân đội miền Bắc… Từ Hiệp định Paris, cách mạng nước ta bước sang một giai đoạn mới. Hai năm sau, với Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn được giải phóng, thống nhất, đúng như Bác Hồ đã tiên đoán Mỹ cút, thì Nguỵ sẽ nhào.
(Theo An ninh Thủ đô) Duy Anh - Đình Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét