Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

15:31

 Chỉ cần một cái nhất
 
 
(HNM) - Trên chuyên mục này ngày 18-11 đã có bài viết đầy suy tư về những cái nhất về xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp tục mạch suy nghĩ này, tôi xin đưa ra một góc tiếp cận khác về những cái nhất ấy.

Chỉ còn hơn 40 ngày nữa là hết năm 2012. Nhìn lại năm qua về một số vấn đề kinh tế đã diễn ra, thấy rằng bên cạnh những khó khăn, rủi ro, có những thành tích mà Việt Nam đạt được cần phải khích lệ với mục đích: Tiến về phía trước.

Phải khẳng định rằng năm qua trong khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam chạm đáy khủng hoảng và chưa có biến chuyển tích cực, hy vọng rằng cho đến hết năm 2013, thì Việt Nam sẽ có những cái nhất đáng tự hào.

Chúng ta đã giành được ngôi vị thứ nhất thế giới về xuất khẩu gạo với con số xuất khẩu năm 2012 đạt 7,7 triệu tấn. Song, Việt Nam đứng đầu về sản lượng xuất khẩu nhưng giá trị thực thu về thấp hơn cả hai quốc gia đứng sau. Cái nhất số lượng gạo xuất khẩu nhưng cũng đạt cái thấp nhất tiền thu về cho người nông dân và cho ngân sách.

Trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê Việt Nam đã vượt qua Brazil, Colombia để giành ngôi vị hàng đầu. Ước tính sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,6 triệu tấn thu về 2,5 tỷ USD, cà phê Brazil xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn thu về hơn 3 tỷ USD, cà phê Colombia xuất khẩu đạt 1,35 triệu tấn thu về 2,9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đứng nhất về sản lượng xuất khẩu cà phê trên thế giới nhưng giá trị thu về lại thấp nhất trong ba nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Và nổi sóng trên thị trường cũng như nghị trường thời gian vừa qua là giá cả mua bán trên thị trường vàng. Việt Nam đã đạt con số kỷ lục về sức mua từ cuối tháng 5-2012 đến tháng 11-2012 với lực mua, bán đạt hơn 60 tấn vàng trong khi đó thị trường Trung Quốc giảm 8%, thị trường thế giới giảm 2%. Nhưng Việt Nam đạt được cái nhất về giá cao khi thị trường thế giới là 1.733,5 USD/ounce (1 ounce = 1.088 lượng): cách tính của thị trường Việt Nam với giá hiện tại hơn 47 triệu VND/lượng, tương đương với 2.245USD/lượng. Như vậy, thị trường với giá vàng như vậy chắc không quốc gia nào có được, và tất nhiên hiện nay chỉ duy nhất Việt Nam.

Từ ba vấn đề nêu trên, người dân, doanh nghiệp đặt ra câu hỏi: Tại sao xảy ra tình trạng này khi các cơ quan quản lý nhà nước luôn có kế sách và chiến lược tốt? Chúng ta quá vất vả để giành được những cái nhất về số lượng mà lại cũng giành luôn cái kém nhất về giá trị! Sự mâu thuẫn luôn đi song hành khi chúng ta chỉ có tư duy, khả năng quan tâm số lượng mà không có tư duy hoặc khả năng quan tâm, hướng tới giá trị? Tất nhiên, một đất nước gần một thế kỷ trải qua chiến tranh, sẽ có rất nhiều khó khăn. Nhưng chiến tranh đã chấm dứt gần 40 năm, lý do đó không có tính thuyết phục khi mà cả thế giới đã hội nhập. Chỉ có một cách hiểu đơn giản là chúng ta đang kém về quản lý, vẫn giữ nếp nghĩ chỉ thấy cái lợi trước mắt, giữ thói quen ăn xổi mà không có những kế sách làm ăn lâu dài…

Người viết bài này thấy nghẹn ngào vì những cái nhất kia chưa mang lại lợi ích cao nhất cho người dân và xã hội. Nếu chỉ cần một cái nhất là chất lượng và hiệu quả cho cuộc sống của cộng đồng mỗi ngày một cao hơn thì hay biết bao. Cái nhất ấy mới là cái nhất thực sự nhân văn và tốt đẹp. Vì vậy, những nhà quản lý, những nhà hoạch định chính sách, những nhà doanh nghiêp… hãy kỹ trị thực sự với tư duy giá trị cao hơn số lượng - không chỉ trong lĩnh vực kinh tế!
(Theo HNM) Nguyễn Hoài Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét