Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012


08:10
Đừng nhìn một chiều

SGTT.VN - Tôi là một trong số các chuyên gia đô thị kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm giao thông nhằm đưa hoạt động giao thông vào kỷ cương, nhất là giảm bớt các vụ vi phạm, các vụ tai nạn và ách tắc giao thông, nhưng lại không mấy đồng ý khi mức phạt tăng gấp 6 – 8 lần trong nghị định 71.

Mục đích phạt bằng biện pháp kinh tế, đánh vào túi tiền không phải là để tăng ngân sách, tăng tiền dưỡng liêm cho cảnh sát hay trừng phạt người vi phạm, mà cái chính là làm cho người dân nhớ lâu vì xót tiền để từ đó không vi phạm nữa. Nhưng mức tăng quá cao như thế nghe chừng chưa hợp lý, nhất là trong lúc kinh tế quá khó khăn vào thời điểm hiện nay.

Mục đích phạt bằng biện pháp kinh tế, đánh vào túi tiền không phải là để tăng ngân sách, tăng tiền dưỡng liêm cho cảnh sát hay trừng phạt người vi phạm, mà cái chính là làm cho người dân nhớ lâu vì xót tiền để từ đó không vi phạm nữa. Ảnh: Thanh Hảo
Biện pháp này rất tốt với những kẻ thường xuyên và cố tình vi phạm, nhưng sẽ là oan ức và thiệt thòi với những người dân lao động nghèo khó lỡ hay vô tình vi phạm. Nên chăng có cách thức tính điểm, ví dụ ghi hình lại biển số xe để khi vi phạm thêm một hoặc hai lần sau khi nhắc nhở lần đầu sẽ tiến hành phạt thực tế.
Về mặt kỹ thuật thì đây là một việc làm đơn giản mà lại làm cho người dân tâm phục khẩu phục, bởi có được một thời gian làm quen. Tuy nhiên, cũng cần nói lại cho rõ là biện pháp mạnh tay này chỉ thực sự hiệu quả khi có một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo cho người dân thực hiện tốt các quy định cho hành vi vi phạm giao thông. Một khi hệ thống vận hành giao thông lại không đảm bảo như hệ thống đèn bị mất điện, tín hiệu giao thông thiếu hoặc sai, diện tích mặt đường trên một phương tiện giao thông không đủ, việc phân làn phân tuyến không hợp lý, các đường giao cắt quá nhiều, khó nhận biết... thì việc phạt nặng phải cân nhắc.
Ở đây sẽ có tác dụng trái ngược nhau, nếu người dân cảm thấy bị phạt oan và quá nặng sẽ ghét người đi phạt, tỏ thái độ và phản ứng tức thời không đúng. Ở một phía khác, đối với người thực thi công vụ thiếu đạo đức thì rõ ràng đây là cơ hội có thể... kiếm tiền! Một điểm khác nữa phải thấy là cơ quan công quyền có quyền phạt người dân khi người dân vi phạm, vậy người dân có quyền phạt lại người ra quyết định 71 này nếu anh chỉ biết phạt mà không đảm bảo được cơ sở hạ tầng kỹ thuật khiến người dân buộc phải vi phạm; chẳng hạn như kiện ngược lại cơ quan công quyền trong trường hợp này, bởi số tiền phạt cao đó không được đầu tư trở lại cho cơ sở hạ tầng.
Ở các nước châu Âu có quy định người bỏ rác thiếu ý thức ở nơi công cộng sẽ bị phạt rất nặng, nhưng nếu ở những nơi công cộng đó, trong bán kính 400m mà không có thùng rác thì người dân không những không bị phạt mà người phụ trách môi trường khu vực đó bị phạt. Ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban An toàn giao thông thành phố, thừa nhận mức phạt như vậy là rất cao và hạ tầng giao thông hoàn toàn chưa tương xứng với quy định 71. Tuy nhiên, điều khá vui là ông cho rằng áp dụng một thời gian mà thấy không hợp lý thì sẽ kiến nghị điều chỉnh lại (theo Tuổi Trẻ ngày 15.11.2012). Vậy, khi cơ quan công quyền thấy sai phải điều chỉnh lại (chắc là như thế) thì những người bị phạt rồi có được nhận lại tiền phạt không? Chắc là không. Vậy thì tốt nhất là nên thận trọng, đừng ngẫu hứng...
(Theo SGTT) TS NGUYỄN MINH HOÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét