Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

08:15

Đại gia xứ Nghệ và “mốt” chơi nhà gỗ bạc tỉ


Những năm gần đây, chơi nhà gỗ trở thành “mốt” trong giới đại gia và một số quan chức ở Nghệ An. Trong đó, nhiều căn nhà gỗ to lớn, trị giá tiền tỉ trông còn đồ sộ hơn cả những ngôi đình làng cổ xưa.

Cách đây không lâu, một anh bạn rủ tôi đến chiêm ngưỡng căn nhà toàn bằng gỗ giổi của người quen đang được cánh thợ mộc dựng cạnh đê Tả Lam, huyện Nam Đàn - Nghệ An. Chủ nhân căn nhà, một người có vai vế ở địa phương, khoe: “Vài hôm trước, nhà vừa dựng xong đã có người đi ô tô đến trả 1,2 tỉ đồng nhưng mình không bán”.
Căn nhà có tới 8 cây cột cái đồ sộ cao 5,4 m và 8 cột khác chừng 5 m. “Để có căn nhà gỗ như ý, mình phải đặt cọc tiền hàng tháng trời. Chuyện vận chuyển gỗ ra được khỏi rừng là cả một vấn đề nan giải. Nếu không được giúp đỡ thì chạy trời cũng không khỏi nắng” - chủ nhà tiết lộ.
Một căn nhà gỗ giổi trị giá 1,5 tỉ đồng tại huyện Thanh Chương - Nghệ An
Tôi ngỏ ý muốn mua một căn nhà gỗ, anh ta khẳng định: “Cứ lên xã Tam Hợp hoặc Xiềng My, huyện Tương Dương – Nghệ An, gỗ đốn sẵn bạt ngàn đủ loại, tha hồ chọn. Muốn có bộ cột gỗ tốt thì phải đặt cọc 15 -20 triệu đồng để người ta yên tâm “làm hàng”. Vấn đề là anh phải tính làm sao để chuyển được gỗ về xuôi thôi. Còn nếu muốn mua ngay tại Vinh, ít nhất phải có 500-600 triệu đồng”.
Nghệ An có VQG Pù Mát và hai khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt, mỗi nơi được giao quản lý, bảo vệ hàng trăm ngàn hecta rừng nguyên sinh.
Từ năm 2007, 3 nơi này được giao cho Sở NN-PTNT Nghệ An quản lý, các hạt kiểm lâm Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt trở thành đơn vị độc lập, chỉ trực thuộc VQG hoặc khu bảo tồn thiên nhiên. Do được toàn quyền quản lý, bảo vệ diện tích rừng nguyên sinh của VQG, khu bảo tồn thiên nhiên nên những kẻ thoái hóa, biến chất được dịp đục nước béo cò, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.
Ai cũng biết, để đưa được gỗ ra khỏi rừng là cả một câu chuyện dài và chắc chắn phải có sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp của nhân viên kiểm lâm. Đây là lý do giải thích vì sao những căn nhà gỗ bạc tỉ xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo Người lao động
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
Đốn gỗ rừng như cắt thịt da”
Hỡi ôi núi bạc, rừng già
Kiểm lâm còn phá, ắt là suy vong!
Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét