Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Còn bức xúc hơn tắc đường

14:31

Vấn nạn “xe điên”
 Số vụ "xe điên" gây hậu quả nghiêm trọng diễn ra ngày một nhiều khiến dư luận xã hội lo ngại một vấn nạn mới đã hình thành và ngày càng trở thành "bệnh nan y". Cảnh sát giao thông và những đơn vị chức năng chuyên trách về án giao thông cũng lên tiếng cảnh báo và phân tích một số nguyên do dẫn đến vấn nạn "xe điên".
“Xe điên” trở thành nỗi ám ảnh
Mới đây vụ tai nạn xảy ra vào chiều ngày 10/11/2011, chiếc xe Honda Civic đang rẽ từ đường Điện Biên Phủ về hướng Nguyễn Huệ (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) thì bất ngờ tông vào đuôi xe đạp và 2 xe máy đang chạy cùng chiều. Vụ tai nạn kinh hoàng đã làm 5 người bị thương, trong đó có một phụ nữ đang mang thai bị thương nặng. Được biết chị này khi đó không hề tham gia giao thông, chỉ đứng trên vỉa hè thì gặp nạn. Một người dân chứng kiến vụ việc bàng hoàng kể lại: “Xe tiếp tục lao lên vỉa hè và tông liên hoàn vào 3 xe máy. Một tiếng nổ lớn phát ra, ôtô bị nổ lốp lao vụt ra giữa đường khoảng 20m mới chịu đứng lại”.
Lái xe Hồ Văn Dũng, 34 tuổi cho biết: “Khi ôm cua, xe bị mất lái. Tôi đã tính tông vào vỉa hè để xe dừng lại, nhưng nó lại bị nổ lốp. Tôi phải đạp phanh và bóp còi cảnh báo, song xe vẫn trượt dài giữa đường”. Trước đó, lúc 5h30, tại ngã tư Bà Triệu – Dương Văn An (thành phố Huế) cũng xảy ra một vụ tai nạn giữa xe tải và xe khách 24 chỗ. Sau khi tông xe khách, xe tải bị lật nghiêng chắn ngang Quốc lộ 49 gây ách tắc giao thông 2 giờ.
Chuyện hàng giờ trên các cung đường VN 
Một vụ tai nạn khác xảy ra vào khoảng 11h ngày 3/11, trước số nhà 3/27, khu phố 2, thị trấn Hóc Môn (TP HCM) làm 1 người chết, 2 người bị thương. Một số người dân cho biết, chiếc xe tải mang BKS 54N-6483 của Công ty Cổ phần ôtô vận tải số 5, lưu thông trên QL 22, hướng Củ Chi về quận 12. Khi đến ngã tư Hóc Môn tài xế bị lạc tay lái, xe tải chạy vào phần đường ngược chiều. Chiếc xe này tiếp tục lao đi trên đường, đâm vào 1 chiếc xe máy và “nuốt” 2 xe máy khác chạy theo hướng Hóc Môn đi Củ Chi. Chiếc “xe điên” chỉ dừng lại khi ủi bay hàng chục mét giải phân cách. Còn người dân ở huyện Trảng Bom đến giờ vẫn còn ám ảnh bởi vụ xe tải đâm chết học sinh trên đường đi học về, rồi chỉ vài ngày sau, một chiếc xe tải khác lại khiến 3 người chết oan uổng.
Chiếc xe tải biển số 54V-1961 đi hướng từ ngã ba Dầu Giây về TP Biên Hòa đã bất ngờ lao nhanh qua bên trái đường, đâm sầm vào đám người đang lưu thông chiều ngược lại, làm 6 người chết và bị thương. Anh Thái Văn Trợ kể lại giây phút kinh hoàng mà anh đã chứng kiến: “Tôi không thể ngờ, một chiếc xe tải đang chạy tự dưng lại lao hẳn sang bên kia đường để gây tai nạn”. Theo anh Trợ, chiếc xe tải đã vượt hẳn sang bên trái đường rồi lao đi mà không hề có dấu hiệu của việc phanh lại. Tại hiện trường, đoạn đường khoảng 50m từ chỗ chiếc xe vượt lên đến điểm gây tai nạn không hề có vết phanh của xe. Sau khi đâm 2 chiếc xe máy, một nhóm người đi xe đạp, chiếc xe lao xuống mương nước bên đường.
Những vụ tai nạn giao thông kiểu này khiến dư luận xã hội lại nhớ đến vụ “xe điên” trên đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP HCM) gây hậu quả nghiêm trọng. Chiếc xe đã bất ngờ lao vào 3 ôtô khác rồi hất tung 12 xe máy. Sau khi gây tai nạn hàng loạt, ôtô vẫn lao tiếp quãng đường 200m với vận tốc lớn. Rất may nó đã dừng lại ở khu vực vòng xoay có mật độ lưu thông dày đặc. Sau gần 2 tuần điều tra, Công an TP HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Anh Huy (42 tuổi, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1) vì gây ra tai nạn nghiêm trọng làm chết 2 người, gây trọng thương 15 người khác. Ông Huy bị khởi tố về tội “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Lỗi luôn ở phía người điều khiển phương tiện
Quá trình điều tra vụ “xe điên” trên đường Lý Thái Tổ (TP HCM) đã làm rõ: người điều khiển ôtô đã va quệt với 2 xe máy, ông Huy hoảng loạn đạp phanh nhưng lại nhầm chân ga khiến ôtô tăng tốc lao về phía trước. Ông Huy đâm vào 3 ôtô, húc 12 xe máy đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Lý Thái Tổ – Sư Vạn Hạnh. Sau khi gây tai nạn, lái xe được một người dân chở đến công an phường tự thú. Theo lời khai ban đầu với Cơ quan điều tra, ông Huy cho rằng, do lỗi kỹ thuật xe đột ngột tăng tốc gây ra tai nạn và làm bung túi khí. Tuy nhiên, sau đó hội đồng giám định đưa xe đi khám nghiệm và kết luận sơ bộ chiếc xế hộp hoàn toàn bình thường.
Hay như vụ tai nạn tại TP Huế vừa qua, người điều khiển chiếc xe Honda Civic đã lái xe trong trạng thái không tỉnh táo, người nồng nặc hơi men. Tương tự, vụ tai nạn hi hữu trên QL 1A đoạn qua xã Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An vào rạng sáng 4/11/2011 cũng bắt nguồn do lỗi người lái. Chiếc xe tải lớn này chở đá trắng chạy hướng Diễn Châu – Vinh với tốc độ rất cao, thế nhưng lái xe đã ngủ quên khiến chiếc xe đâm vào dải phân cách giữa đường khoảng 10m, đúng bằng chiều dài của chiếc xe. Chỉ đến lúc tấm biển báo chỉ dẫn đường đập vào kính xe thì lái xe mới tỉnh giấc và cho xe dừng lại. Thật may vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm đường vắng nên không gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Cơ quan điều tra Công an huyện Trảng Bom, những vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn gần đây thường do tài xế xe tải lấn trái rồi đâm vào những người đi chiều ngược lại. Nhiều người dân rất bức xúc với tình trạng các tài xế thường xuyên phóng nhanh qua những đoạn đường đông dân cư trên đoạn QL 1A. Theo nhiều người dân địa phương, chính vì tài xế chạy xe quá tốc độ và vượt ẩu nên mới gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như vậy.
Một cán bộ cảnh sát giao thông Hà Nội đã nêu ra ba đặc điểm chung trong các vụ tai nạn mang tính liên hoàn. Đầu tiên là những người có tâm lý bỏ chạy, trốn trách nhiệm. Trường hợp thứ hai là uống rượu, bia, chất kích thích. Cuối cùng là người hoảng loạn không tự chủ được hành vi. Họ mất kiểm soát từ va chạm đầu tiên để rồi biến thành liên hoàn, nghiêm trọng.
Nhiều người cho rằng, việc đào tạo lái xe ở Việt Nam hiện có nhiều bất cập và đây chính là nguyên nhân sâu xa nhất của nạn “xe điên”. Quy trình đào tạo chỉ dạy lái bằng xe số sàn, trong khi thực tế thì nhiều người học lái xe số sàn rồi chuyển ngay sang đi xe số tự động. Mà loại xe này thường dễ bị nhầm chân ga với chân phanh. Bởi vậy nhiều chuyên gia trong ngành Giao thông đã nhắc đến phương án thực tập ít nhất là một tháng với địa hình thực tế, với sự giám sát của người hướng dẫn, trước khi tự mình điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo một điều tra viên chuyên trách các án giao thông, vài trường hợp còn có nguyên nhân từ chính tư cách đạo đức của người điều khiển phương tiện. Đạo đức của họ không tương xứng với phương tiện mà họ điều khiển. Nhiều lái xe có biểu hiện dã tâm, gây tai họa cho nhiều người rồi bỏ trốn. Và nhiều đối tượng đã bị bắt giữ, xử lý nhưng bản án chưa đủ sức răn đe, khiến người dân “nhờn luật”. Dư luận xã hội đã đến hồi bức xúc trước vấn nạn “xe điên”, lo ngại về một căn bệnh nan y mới của giao thông nước nhà.
Phú Duy 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét