Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

09:02

Mỹ biến Australia thành hậu phương chống Trung Quốc?

Lo ngại Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ, Mỹ khôn khéo “lôi kéo” Australia về phía mình bằng thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.

Ở Mỹ, hình ảnh của Tổng thống Barack Obama có thể đang bị suy giảm phần nào song ở Australia thì không. Sự thật là Tổng thống Mỹ được chào đón nồng nhiệt tại Canberra trong chuyến thăm của ông tới Australia sau khi tham dự Hội nghị APEC ở Honolulu.

Và kết quả của chuyến thăm này là điều không ai có thể chờ đợi hơn: một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự Mỹ - Australia nhanh chóng được thông qua và được cho là qui mô nhất kể từ thế chiến II.

Thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự giữa hai bên tập trung chủ yếu tại vùng lãnh thổ Tây Bắc Australia, mở ra cơ hội tuyệt vời cho quân đội Mỹ để được phép tiếp cận các căn cứ quân sự của Canberra và sử dụng các cơ sở vật chất tại đây. Theo đó, thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ trên lãnh thổ Australia cũng như các hoạt động huấn luyện, luyện tập và thao dượt của quân đội Mỹ trong khu vực.
Đồng thời đây cũng là nơi tàng trữ các trang thiết bị, nhiên liệu, đạn dược và các phụ tùng thay thế, giúp hình thành các cơ sở hậu cần chiến lược, thiết yếu cho các lực lượng Mỹ ở Ấn Độ Dương.
 
Cử chỉ thân thiện của Thủ tướng Australia Julia Gillard và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của ông Obama tới Canberra. Ảnh minh họa: Ibtimes.
Đối với nhiều người Australia, việc tăng cường hiện diện quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước họ là điều đáng được hoan nghênh bởi nó là biểu hiện thiết thực nhất cho những cam kết chiến lược của Mỹ đối với khu vực.
Về phía Mỹ, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng thỏa thuận với Australia sẽ cho phép Mỹ ứng phó hiệu quả hơn với những thảm họa và các nhu cầu nhân đạo cũng như những thách thức về an ninh.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích nhận định rằng, chuyến thăm của Obama tới “đất nước bên dưới” bị chi phối bởi mục đích là trao vào tay người Australia nhiều trọng trách hơn với tư cách là đồng minh của Mỹ.
Hợp tác với Australia chỉ là chiêu bài Mỹ dùng để đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc trong khu vực. Hơn nữa, trong bối cảnh Mỹ chuyển đổi chính sách ngoại giao, hướng trọng tâm vào châu Á, việc tìm kiếm thêm đồng minh nhằm khôi phục sự hiện diện chiến lược trong khu vực và đối phó tốt hơn với các đối thủ đầy tiềm năng, là nhu cầu bức thiết đối với Washington.
Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn rằng tại sao Mỹ lại “để mắt” tới Australia. Có ba nguyên nhân chính lý giải lựa chọn này của Washington.
Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ các khả năng quân sự của Trung Quốc, đối thủ đáng gờm của Mỹ, thời gian gần đây đã có bước phát triển đáng kể. Đối lập với bối cảnh Mỹ liên tục phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng, trong nhiều năm qua, Trung Quốc không tiếc tiền của hiện đại hóa quân đội, nâng cao các khả năng quân sự.
Thành quả của nỗ lực này là người Trung Quốc hiện đang sở hữu một số lượng lớn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm xa, nâng cao khả năng tấn công trên biển, trên không và trên mặt đất.
Đó là mối đe dọa trực tiếp đối với các lực lượng Mỹ trong khu vực, chẳng hạn quân đội Mỹ đồn trú ở các căn cứ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí ở Guam.
Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á không phải là lựa chọn khả thi đối với Mỹ bởi họ cũng nằm trong phạm vi của tên lửa Trung Quốc. Do đó, Mỹ "chấm" Australia để biến nơi đây thành nơi ẩn náu an toàn cho quân đội Mỹ bởi các căn cứ quân sự của Canberra nằm ngoài tầm với của tên lửa "thông thường" Trung Quốc.
Nguyên cớ thứ 2 giải thích cho lựa chọn Australia đến từ việc Washington đang cố khai thác triệt để việc Trung Quốc chưa "vững chân" ở Ấn Độ Dương.
Toan tính này của Mỹ xuất phát từ thực tế các hoạt động thương mại hàng hải của Trung Quốc bao gồm nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, phụ thuộc rất lớn vào các tuyến đường biển trên Ấn Độ Dương.
Do đó, nếu có thể phong tỏa, kiểm soát các tuyến giao thông quan trọng này, Mỹ có thể giành được các lợi ích đáng kể trước đối thủ. Chằng hạn nếu xung đột Trung- Mỹ nổ ra, khi đó Mỹ có thể phá hủy các hoạt động thương mại trọng yếu của Trung Quốc, làm tê liệt nền kinh tế của đối thủ. Còn trong thời bình, Washington vẫn có thể “răn đe” Bắc Kinh.
Động cơ thứ 3 cho việc gia tăng sự hiện diện của Mỹ tại Australia liên quan đến chính trị. Washington ý thức sâu sắc vai trò của Trung Quốc đối với sự phát triển của nền kinh tế nước mình. Các chiến lược gia Mỹ cũng nhận thấy những lợi thế về mặt địa lý đặc biệt của Canberra và vai trò của chúng: cầu nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Nam Cực ở sau lưng và vùng biển đảo dài miên man trước mặt giống như tấm khiên bảo vệ. 
Có một thực tế mà nhiều chính trị gia Australia dường như không nhận thấy đó là với những lợi thế có được, nếu Canberra muốn duy trì chính sách trung lập chiến lược, không muốn bị cuốn vào đời sống chính trị phức tạp ở Nam Á, họ hoàn toàn có khả năng tự phòng vệ mà không cần phụ thuộc vào bất cứ ai.

Nhưng Washington quyết ngăn chặn kịch bản này. Lợi dụng quan hệ thân thiết từ lâu, Mỹ "trói chặt" Australia thông qua hợp tác chính trị và quân sự. Bằng cách ấy, Mỹ có thể tối thiểu hóa nguy cơ Australia “suy nghĩ lại” về quan hệ của họ với khu vực và Mỹ.

                          Lê Dung (Theo The Diplomat)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét