Ngân sách quốc gia và con số thực
Việc Chính phủ dự báo mức thu cao cho năm 2012 dựa trên số thu (cũng cao) của năm nay (số thực hiện) tức là đã chấp nhận một nền tảng thuế cao dựa trên lạm phát cao.
Ba tiền đề cụ thể về tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam được đưa ra mới đây là tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Thật sự tái cấu trúc đầu tư công chỉ là một phần của vấn đề căn bản hơn là tái cấu trúc cả hệ thống tài chính công để góp phần cụ thể vào việc ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tái cấu trúc nền kinh tế trong trung hạn.
Một đề xuất của chúng tôi là tái cấu trúc trong ba lĩnh vực nói trên nên sớm được triển khai bởi ba ủy ban riêng biệt có sự tham dự của cả giới hữu trách cao cấp lẫn các chuyên gia khoa học từ bên ngoài chính phủ và với một thời hạn rõ rệt 2-3 tháng để đưa ra các đề xuất chính sách, nếu muốn đạt hiệu quả cao cho việc thay đổi chính sách ngay đầu năm 2012.
Nhưng đề nghị chính của chúng tôi là trong quá trình tái cấu trúc tài chính công, Bộ Tài chính và các Ủy ban Tài chính ngân sách và Kinh tế của Quốc hội cần thảo luận để thay đổi cách thức dự báo ngân sách hàng năm để tránh ngay một nhầm lẫn "có sẵn" hay "định trước" (built-in error) hàng năm trong việc xây dựng một chỉ số lạm phát cao tiềm tàng trong các số thu và chi cao của ngân sách cho năm tới, dựa hoàn toàn trên một dạng tiền ảo (money illusion) hay nói đơn giản hơn là bao gồm "vấn đề tạo chỉ số" (indexing problem) trong số bội thu ngân sách của năm nay.
Thí dụ cụ thể nhất là cho ngân sách dự báo từ tháng 9-2011 cho năm 2012 và mới được Quốc hội chấp thuận cuối tuần trước. Số thu ngân sách năm 2012 được dự báo là 762.900 tỉ đồng (kể cả 22.400 tỉ thu chuyển nguồn từ năm 2011), số chi là 903.100 tỉ đồng và bội chi là 140.200 tỉ đồng hay 4,8% của GDP.
Số thu dự báo của năm tới đạt mức kỷ lục là 762.900 tỉ so với dự báo thu năm 2011 chỉ là 605.000 tỉ (tăng 26%) vì đã dựa trên số thu thực hiện ước tính ở mức cao 674.500 tỉ cho năm nay 2011 (dựa trên số thực tế 558.510 tỉ đã thực hiện sau 10 tháng đầu năm).
Thoạt nhìn, các quan sát viên có thể thán phục khả năng thu thuế cao của chúng ta năm nay mặc cho nền kinh tế và doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Nhưng nghĩ kỹ đích thực đây chỉ là phản ánh mức lạm phát cao của năm nay (18-19%) hay của sự mất giá tiền đồng (tỷ giá hiện là 21.000-21.800 so với 19.500 của năm 2010), khiến các thứ thuế quan trọng nhất là thuế xuất nhập khẩu và thuế doanh nghiệp đều thu cao vì dựa trên nền tảng thuế cao.
Con số 605.000 tỉ đồng dự thu cho ngân sách năm 2011 vào tháng 9 năm ngoái đã dựa trên tỷ lệ lạm phát mục tiêu 7% cho năm 2011 và tỷ giá 19.500 của năm ngoái. Còn cho năm nay, lạm phát đã lên khá cao (trên 20% trong vài tháng rồi và cuối tháng 12 hy vọng sẽ chậm lại ở mức 18-19%) và tỷ giá tiền đồng đã vượt xa 21.000 từ quí 1 và nay trở lại mức đó vào quí 4, nên số tổng thu thực hiện đã lên tới mức ước tính mới là 762.900 tỉ.
Nói cách khác, nếu giả sử lạm phát chỉ là 7% và tỷ giá quanh mức 19.500 cho năm 2011, thì chúng ta đã không thu được 674.500 tỉ cho ngân sách!
Chúng ta tiếp tục dự báo mức thu cao ngất ngưởng cho năm 2012 dựa trên số thu cũng cao ngất thực hiện được năm nay (2011) là chúng ta tiếp tục chấp nhận một nền tảng thuế cao dựa trên mức lạm phát cao hai con số và mức mất giá cao cho tiền đồng.
Một kết luận quan trọng khác là do số TỔNG THU dự báo được bơm phồng cho năm tới, chúng ta cũng tự động bơm phồng số TỔNG CHI cho năm tới, mặc dù có hạn định giới hạn cho tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP là 4,8% cho năm 2012.
Một nhận xét quan trọng là dù tỷ lệ bội chi có được giới hạn, nhưng nếu cả TỔNG THU và TỔNG CHI đều được bơm phồng do vấn đề lạm phát (hay vấn đề tính chỉ số - indexing, như nêu trên) thì số BỘI CHI cũng được bơm phồng theo cùng tỷ lệ. Và kết quả là lạm phát sẽ lại tiếp tục lên cao trong năm tới và trung hạn...
Cơ chế giữa số bội chi tuyệt đối cao và lượng cung tiền cao hàng năm chính là mối liên hệ mật thiết giữa chính sách tài khóa và tiền tệ gây ra lạm phát cao ở Việt Nam từ nhiều năm nay (hai thí dụ gần và rõ nhất là năm 2011 và 2008). Cơ chế này được giải thích rõ hơn dưới đây, qua việc bơm phồng chi tiêu công hàng năm bằng số thu "lạc quan" và nhất là đầu tư công được tài trợ dễ dàng qua phát hành trái phiếu chính phủ.
Lý luận trên còn nhằm làm rõ hơn tính chất của khoản chi tiêu đầu tư tài trợ bởi phát hành trái phiếu chính là mối liên hệ căn bản giữa chính sách tài khóa và tiền tệ hàng năm đã gây ra lạm phát cao và bị "làm ngơ" vì cách trình bày thực hiện ngân sách hiện nay: đây chính là nguồn tài trợ thất thu ngân sách hàng năm bằng hệ thống ngân hàng, thoát khỏi con mắt các nhà phân tích vĩ mô.
Để giải thích rõ hơn, thử trở lại thí dụ của nửa đầu năm 2011, trái phiếu chính phủ mặc dù với lãi suất thấp 10-12% vẫn được các ngân hàng lớn tích cực mua vì họ có thể đem đến cửa sổ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước và chỉ trả mức lãi suất 7% dạo đó trong một thời gian dài.
Nói một cách khác hơn, qua tái cấp vốn, chính Ngân hàng Nhà nước đã tài trợ thâm hụt ngân sách (deficit financing). Vì chi tiết này không được thảo luận rõ ràng, vẫn còn có vài nghiên cứu phát biểu "can đảm" rằng chính sách tiền tệ là nguyên nhân của lạm phát trong nhiều năm qua và chính sách tài khóa không có trách nhiệm về lạm phát.
(Theo TBKTSG) TS. Phạm Đỗ Chí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét